Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 13:55, 26/05/2022

Chiều 25-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi).
Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo giải trình.

Đề xuất tự phân loại phim trên không gian mạng

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, theo chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, thì điện ảnh vừa là ngành văn hóa, nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa, do đó rất cần có các cơ chế, chính sách góp phần thúc đẩy phát triển điện ảnh Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.

Vì vậy, dự thảo luật được sửa đổi, chỉnh lý theo hướng kế thừa hợp lý một số chính sách của luật hiện hành, quy định rõ hơn cơ chế, chính sách, trách nhiệm của Nhà nước và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân; sửa đổi, bổ sung, chuyển một số nội dung về phát triển công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách Nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ; chỉnh lý quy định rõ hơn về chính sách phát triển nguồn nhân lực.

Đối với vấn đề đổi mới công tác quản lý, thẩm định và cấp giấy phép phân loại phim, căn cứ yêu cầu thẩm định, phân loại đối với từng loại phim, điều kiện thực hiện, thẩm quyền và thực tế quản lý nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh, dự thảo luật quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên toàn quốc; UBND cấp tỉnh cấp giấy phép phân loại phim đối với phim phổ biến trên địa bàn quản lý.

Về hợp tác đầu tư nước ngoài trong hoạt động điện ảnh, dự thảo luật bổ sung quy định về các hình thức đầu tư về vốn theo Luật Đầu tư; quy định cụ thể tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài với cơ sở điện ảnh của Việt Nam để sản xuất, phát hành, phổ biến phim không vượt quá 51% vốn điều lệ để bảo đảm tuân thủ cam kết quốc tế và phù hợp yếu tố đặc thù của ngành điện ảnh…

Bên cạnh đó, về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài có hai loại ý kiến khác nhau, trong đó quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt; quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt.

Về phổ biến phim trên không gian mạng, phương án giao chủ thể phổ biến phim thực hiện tự phân loại đối với phim phổ biến trên không gian mạng đã được Chính phủ cân nhắc, đánh giá tác động, phù hợp với thực tế nước ta hiện nay, là xu hướng chung trên thế giới.

Về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, cơ quan trình dự án luật cho rằng, việc quy định thành lập và hoạt động của Quỹ tạo hành lang pháp lý, công cụ hiệu quả hỗ trợ điện ảnh phát triển, đáp ứng nguyện vọng của nhiều tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực điện ảnh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ quy định về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh tại dự thảo luật.

Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long).

Băn khoăn về sự cần thiết của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Thảo luận về dự án luật, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, cần quy định yêu cầu kịch bản tóm tắt phim và kịch bản chi tiết nội dung quay phim sử dụng bối cảnh tại Việt Nam bằng tiếng Việt bởi phim được sản xuất không chỉ được công chiếu, phổ biến 1 lần và không chỉ ở Việt Nam.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) thống nhất phương án quy định yêu cầu kịch bản phim bằng tiếng Việt. Đại biểu cho rằng, kịch bản tóm tắt chưa thể hiện hết nội dung phim. “Việc thẩm định kịch bản phim với nội dung đầy đủ mới bảo đảm các yêu cầu chính trị, quốc phòng và an ninh. Đây cũng là kinh nghiệm của một số quốc gia trong thẩm định kịch bản phim”, đại biểu nói.

Về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) đề nghị Quốc hội nên cân nhắc, bởi Luật Điện ảnh năm 2006 cũng đã quy định về thành lập quỹ, nhưng qua 16 năm, quỹ vẫn chưa được thành lập do không bảo đảm nguồn thu. “Quy định như trong dự thảo luật vẫn còn mang tính chất chung và cũng không xác định rõ nguồn thu của quỹ”, đại biểu Đoàn Bến Tre nói.

Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa
Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre).

Còn đại biểu Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) nêu quan điểm, những năm gần đây, hầu hết các luật ban hành đều hạn chế quy định việc thành lập quỹ. Do đó, việc lập quỹ trong dự thảo luật cần cân nhắc kỹ và bảo đảm không làm tăng bộ máy, bảo đảm nguồn thu để chi trả cho các khoản chi nguồn không trùng với các khoản thu phải nộp ngân sách về trách nhiệm quản lý nhà nước về điện ảnh.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị thực hiện hậu kiểm đối với phim phổ biến trên không gian mạng; đồng thời, nên bổ sung quy định cụ thể hơn về trách nhiệm biện pháp tăng cường quản lý ngăn chặn xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng.

Tiếp thu ý kiến thảo luận, về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, có 2 lý do chưa thực hiện được Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh quy định trong Luật Điện ảnh năm 2006 vì khó khăn về nguồn thu, đồng thời cơ chế quản lý quỹ chưa rõ là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp hay tổ chức tài chính.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, việc tiếp tục đề xuất Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh trên cơ sở thể chế hóa quan điểm của Đảng về “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho sự phát triển lâu dài và bền vững”. “Với ngành công nghiệp điện ảnh là một lĩnh vực nghệ thuật, nếu không được quan tâm, đầu tư sẽ rất khó khăn”, Bộ trưởng nói.

Phát triển điện ảnh trở thành ngành kinh tế trong các ngành công nghiệp văn hóa
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đã có 19 ý kiến đại biểu phát biểu thảo luận tại phiên họp. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình các ý kiến đại biểu, hoàn thiện dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.

Hanoimoi