Ý Đảng, lòng dân - Niềm tin và nguồn cội
Tin tức - Ngày đăng : 09:27, 03/04/2020
* * *
Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi toàn quốc chung sức, đồng lòng chiến thắng đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”; “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!”.
Giữa lúc chống “giặc” Covid-19 đang bước vào cao trào, nghe lời hiệu triệu của người đứng đầu Đảng, Nhà nước, lại thấy tiếng vọng non sông ngàn năm trước từng oai hùng thắng giặc ngoại xâm và chế ngự thiên tai, dịch bệnh: "Khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước muôn đời vậy” (Trần Hưng Đạo); “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” (Nguyễn Trãi); “Nhân nghĩa là nhân dân. Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh).
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Từ sự đối mặt với những thách thức toàn cầu hiện nay, nhất là trải qua gần 3 tháng chủ động, sáng tạo, kiên gan bền chí chống “giặc” Covid-19, Việt Nam đang được dư luận thế giới đánh giá như một hiện tượng. Đó là tinh thần quả cảm, sự lan tỏa xã hội các giá trị Việt Nam trước những thử thách lịch sử, giống như 66 năm trước Việt Nam từng làm nên Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; như 48 năm trước Thủ đô Hà Nội từng là một Điện Biên Phủ trên không, một Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX. Cho dù Việt Nam đang ở mức độ 3 trong dự báo diễn biến dịch, song vẫn có được tầm kiểm soát đại cục. Vậy, điều gì khiến cho Việt Nam với tiềm lực kinh tế, tài chính, trang thiết bị y tế còn thiếu thốn lại đứng vững trong đại dịch này?
Trước hết là do Đảng, Nhà nước thể hiện rõ tính nhạy cảm chính trị, sớm vào cuộc với các phương án từ thấp đến cao, nắm thế chủ động, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ các giải pháp, nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ luôn đặt nhiệm vụ chống “giặc” Covid-19 vào vị trí đặc biệt của các chương trình nghị sự; các ban, bộ, ngành, các địa phương đều thể hiện tính nhạy bén chính trị, coi bảo đảm an toàn cho người dân là mục tiêu tối thượng, quán triệt sâu sắc phương châm hành động “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị; kết nối lực lượng mọi cấp, mọi ngành, trong và ngoài nước, phát huy trí tuệ và ý chí của toàn dân.
Thủ đô Hà Nội đã đi đầu trong đại chiến chống dịch, là chốt chặn tiền tiêu, làm điểm tựa tinh thần cho cả nước; vừa chăm lo cho cuộc sống hằng ngày của hơn 8,5 triệu người dân Thủ đô, vừa là nơi lưu trú của mấy triệu người từ các địa phương và nước ngoài trở về; bảo đảm an toàn cho các cơ quan đầu não của đất nước, cho các cơ quan đại diện nước ngoài.
Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế ở phía Nam Tổ quốc, cùng lúc vừa phải giữ vững tăng trưởng kinh tế, vừa phải căng sức phòng, chống dịch Covid-19.
Các tỉnh, thành phố khác trên cả nước đều quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Trung ương, chủ động, sát sao trong tổ chức cuộc sống “thời chiến” quyết liệt thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội; qua đó càng bừng lên hình ảnh một đất nước Việt Nam kiên cường vượt khó, không chủ quan và cũng rất bình tĩnh.
Đảng dành trọn tất cả vì nhân dân - dân mãi dốc lòng đi theo Đảng trong mọi bước đi lên!
Đội ngũ những người mặc áo trắng đón mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam với tất cả tấm lòng cao cả “Thầy thuốc như mẹ hiền” bằng hành động thiết thực lăn xả cứu người mà quên nguy hiểm tính mạng. Nhiều y, bác sĩ đã được nghỉ hưu, song vẫn xung phong vào trận.
Người chiến sĩ trong thời bình nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ cứu dân, cứu nước với phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, chăm lo từ cơm ăn, nước uống cho những người trong các khu cách ly. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân đi từng ngõ, gõ từng nhà, thức thâu đêm canh gác cho từng hẻm phố, để người dân có được giây phút an lành.
Có Bà mẹ Việt Nam Anh hùng tuổi đã ở ngưỡng 100, sức đã yếu mà vẫn miệt mài may khẩu trang tặng người dân. Có bà mẹ già hơn 85 tuổi phải đong từng bơ gạo, cắt từng mớ rau nhưng đã dốc từng đồng tiền tiết kiệm… ủng hộ cuộc chiến. Học sinh, sinh viên dù phải tạm thời không đến trường nhưng vẫn miệt mài tìm kiếm tri thức. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tìm tòi, đổi mới phương thức truyền dạy để không gián đoạn những “chuyến đò chở đạo cho đời”.
Những người sản xuất nông nghiệp không ngừng trồng trọt, chăn nuôi để tăng nguồn thực phẩm cho xã hội. Công nhân trong các khu chế xuất, nhà máy, công trường cần mẫn làm việc để duy trì phát triển kinh tế. Những chuyến xe, những chuyến phà, những con tàu vẫn lặng lẽ vận chuyển hàng hóa. Các chiến sĩ đảo xa hướng về đất liền với tình yêu quê hương tha thiết, cầm chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng Tổ quốc. Các ca sĩ, họa sĩ, nhà văn, nhà báo bám sát nhịp sống thời đại, có những bài thơ, lời ca, tiếng hát cổ vũ tinh thần lạc quan; những trang viết, số báo phản ánh trung thực, kịp thời, sinh động những điển hình tiêu biểu trong cuộc chiến chống đại dịch.
Đất nước gặp gian khó, hơn 5 triệu người mang dòng máu Việt trong tim ở khắp toàn cầu đã đáp lời kêu gọi của non sông hướng về quê cha, đất mẹ bằng những việc làm đầy xúc động. Không chỉ tổ chức hỗ trợ nhau vượt qua gian khó của dịch giã nơi mình đang sinh sống, làm việc, mà còn góp của, góp tiền, góp ý tưởng giúp quê nhà mau chiến thắng trong cuộc chiến chống "giặc Covid-19".
Tinh thần Việt Nam, khí phách Việt Nam bao năm rồi - vẫn rất đặc biệt, luôn tỏa sáng rực rỡ trước những thử thách, cam go!
"Chống dịch như chống giặc", nhưng các cấp ủy Đảng, chính quyền từ cơ sở tới Trung ương vẫn không sao nhãng việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý, tham mưu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, chuẩn bị tích cực cho đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Việt Nam cũng đã bước đầu thể hiện tốt vai trò quốc tế khi đảm nhận vị trí Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là ngọn cờ tập hợp, đoàn kết, gom góp những món quà ăm ắp nghĩa cử cao đẹp từ truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam trong nước và kiều bào ở nước ngoài. Cũng qua chống đại dịch, càng tỏa rạng tình người Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Việt Nam không chỉ viện trợ, chia sẻ khó khăn, sẵn sàng tham gia với trách nhiệm cao để chung tay với thế giới chiến thắng đại dịch, mà còn là nơi điều trị cho không ít người nước ngoài, là nơi nhiều kiều bào mong trở về tìm sự đầm ấm của quê nhà. Quả là, giữa cuộc đấu tranh đẩy lùi cái chết và giành lại sự sống cho con người, nhiều giá trị mang nhân cách Việt Nam một lần nữa lại được định vị trong đời sống nhân loại, làm cho con người với con người xích lại gần nhau hơn.
Việt Nam đã và sẽ cho thấy tinh thần kiên trung bất diệt trước mọi gian nan; đồng thời khích lệ nhân loại cùng đứng lên, kết nối lực lượng, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ kinh nghiệm để vượt qua thử thách thời đại. Sáng kiến, thông điệp phòng, chống dịch của Việt Nam gửi tới các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế thông qua các diễn đàn của Liên hợp quốc và khu vực đều nhận được sự đồng tình, hưởng ứng cao. Với điều này, chúng ta đã và đang hiện thực hóa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Hạt nhân của sức mạnh nội sinh dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 chính là ý Đảng và lòng dân đã tiếp tục thể hiện sâu sắc mối quan hệ máu thịt. Trong bất kỳ hoàn cảnh và thử thách nào của lịch sử, Đảng luôn là niềm tin, hy vọng cho dân. Dân mãi là nguồn cội của sức mạnh to lớn. Dù cho “vật đổi sao dời” thì lòng dân ơn Đảng, ơn Bác Hồ vẫn mãi như non cao, biển rộng, vẫn son sắt trung trinh. Dù rằng, còn không ít những giọng điệu xuyên tạc, kích động, phao tin đồn nhảm để gây rối tình hình, song không ai có thể phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng Cộng sản Việt Nam, không một thế lực nào có thể hạ thấp uy tín của Nhà nước Việt Nam (một Đảng của dân, một Nhà nước của dân, do dân và vì dân), càng không kẻ thù nào có thể cản bước tiến của đồng bào ta vững bước trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.
Đại dịch Covid-19 buộc chúng ta phải ứng phó kịp thời, và có lẽ sau cuộc chiến này còn phải sắp xếp lại cuộc sống theo nhiều chiều mới mẻ mà trước đây chưa nghĩ tới. Nhưng chắc chắn có một điều đã trở thành chân lý với dân tộc Việt Nam, đó là: Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết; phải biết tự quyết để cứu mình trước khi trời cứu.
* * *
Ngày Quốc giỗ năm nay, chúng ta tổ chức trong điều kiện hạn chế quy mô. Song toàn dân vẫn muôn người như một cùng đồng lòng hướng về cội nguồn dân tộc tri ân tổ tiên, nguyện cầu cho quốc thái, dân an, đất nước và nhân loại sớm bước qua cơn đại hồng thủy mang tên Covid-19.
Ngày Giỗ tổ 10 tháng Ba âm lịch Canh Tý 2020