Cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong cơn bão dịch
Tin tức - Ngày đăng : 10:20, 06/04/2020
Thời điểm này ở châu Âu hay Việt Nam đang cùng phải đối phó với dịch bệnh Covid-19. Vì vậy, việc cần làm lúc này là sự bình tĩnh, chuẩn bị kỹ các phương án cho những khả năng xảy ra và đặc biệt là phải có ý thức tự giác tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan y tế nước sở tại. Đó là chia sẻ của một số kiều bào tại Mỹ, Đức, Tây Ban Nha,… họ đã quyết định ở lại và mong chờ dịch qua đi để sớm ổn định cuộc sống.
Quang cảnh vắng vẻ của Thành phố Halle (Đức) trong mùa dịch Covid-19
Bình tĩnh phòng dịch
Châu Âu những ngày qua đã trở thành tâm dịch Covid-19. Đa số người Việt ở đây bày tỏ lo ngại trước tình hình dịch diễn biến phức tạp với số ca nhiễm tăng vọt, nhưng bà con kiều bào vẫn chọn ở lại vì không muốn xáo trộn cuộc sống, công việc cũng như việc học hành của con cái.
Chị Nguyễn Ngọc, hiện đang sống ở Thành phố München (Đức) cho biết, ở các thành phố của Đức, các cửa hàng ăn chủ yếu chỉ bán mang về. Và những nhà hàng trên 30 chỗ phải tạm đóng cửa. Bọn trẻ con cũng được nghỉ học 5 tuần. Thầy cô giáo vẫn gửi email, video giao bài tập và kiểm tra kết quả học tập qua thư điện tử nên mọi thứ không bị xáo trộn nhiều lắm” - chị Ngọc chia sẻ.
Chị Tạ Thị Nụ - quê gốc Hải Phòng, hiện sinh sống tại thành phố Halle (Đức) cho biết, người dân Đức nói chung vẫn rất bình tĩnh, không hoảng loạn, tự giác thực hiện những khuyến cáo của chính phủ. Nhiều nơi đường sá vắng ngắt. Các trung tâm mua bán đóng cửa. Chỉ có các cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và cây xăng hoạt động. Người dân giữ khoảng cách cần thiết để tránh lây lan, không tụ tập quá đông khi mua hàng, lúc thanh toán ở siêu thị mọi người xếp hàng trật tự và giữ khoảng cách bằng 1 một vạch đỏ phía dưới chân.
Theo chia sẻ của Đào Thị Vân Hà, sinh viên năm thứ 2 trường Montgomery College, bang Maryland thì không nên lo lắng thái quá bởi cuộc sống ở Mỹ hay ở Việt Nam trong hoàn cảnh này cũng đều phải đối phó với dịch bệnh. Thậm chí về nước lúc này, nguy cơ nhiễm bệnh trên máy bay cũng khá cao và nếu nhiễm bệnh lại trở thành gánh nặng cho mọi người. Vì vậy, theo Hà, lúc này cần nhất là sự bình tĩnh, chuẩn bị kỹ các phương án cho những khả năng xảy ra và đặc biệt là phải có ý thức tự giác tuân theo các hướng dẫn phòng chống dịch của cơ quan y tế nước sở tại, hạn chế ra ngoài trừ khi có việc thực sự cần thiết.
Thu Trang, hiện đang sống ở Luân Đôn (Anh) cho biết, có những lúc lo quá, lại chịu nhiều áp lực từ gia đình ở Việt Nam gọi sang mình cũng định đi xét nghiệm nếu không mắc virus SARS-Cov-2 thì sẽ mua vé trở về Việt Nam. Thế nhưng lại lo ra sân bay đông người, dễ lây nhiễm. Mà những ngày này lượng kiều bào và du học sinh về nước rất đông, quá tải tại sân bay khiến lực lượng chức năng phải căng mình làm thủ tục, cách ly, xét nghiệm... Nếu những người như mình tiếp tục trở về thì lại trở thành gánh nặng cho đất nước. Vậy nên mình chọn ở lại, cố gắng giữ an toàn nhất có thể. Trang chia sẻ, tiệm nail những ngày này cũng vắng khách nên cô ở nhà trông con nhỏ, giữ vệ sinh nhà cửa, chờ qua dịch để trở lại cuộc sống bình thường. Người dân ở đây cũng bắt đầu e ngại khi tiếp xúc gần và đứng cách xa nhau ở nơi công cộng, nhưng nhìn chung vẫn ít sử dụng khẩu trang.
Còn theo chia sẻ của Trần Trung, hiện đang sống và làm việc tại thành phố Granada (Tây Ban Nha) thì hiện toàn bộ người dân phải cách ly ở nhà, chỉ được ra ngoài trong những trường hợp cần thiết như mua thuốc, mua thực phẩm, chăm sóc người già. Người lao động làm việc từ xa, trừ những trường hợp không thể làm việc từ xa, phải đến văn phòng/nhà máy để làm việc; Toàn bộ các cửa hàng, trung tâm thương mại, cơ sở giải trí… đóng cửa, trừ hiệu thuốc và các cửa hàng/siêu thị thực phẩm.
Người dân Đức xếp hàng trật tự và giữ khoảng cách bằng một vạch đỏ
Chủ động và tương trợ nhau để đối phó với dịch Covid-19
Ngay khi dịch bệnh bùng phát và lan ra nhiều nước trên thế giới trong đó có Mỹ, Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ đã nhanh chóng lên kế hoạch, thành lập nhóm chuyên trách ứng phó khẩn cấp nhằm tìm hiểu, thu thập và cung cấp đầy đủ, chính xác những thông tin chính thống từ chính quyền nước sở tại cũng như từ Việt Nam tới cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ. Đại sứ quán cũng duy trì đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp cần trợ giúp và đặc biệt, chuẩn bị cả kế hoạch đưa công dân về nước nếu cần.
Nhờ đó, cộng đồng người Việt tại Mỹ đã khá chủ động, bình tĩnh đón nhận và thích nghi mọi sự đảo lộn trong cuộc sống cũng như công việc. Nhiều gia đình chuẩn bị các nhu yếu phẩm cần thiết để hạn chế ra ngoài. Bà con cũng hỗ trợ lẫn nhau thông qua những sáng kiến cung cấp tư vấn y tế qua điện thoại miễn phí đối với những trường hợp có triệu chứng giống mắc Covid-19. Cung cấp những thông tin chính thức và kịp thời dẹp bỏ những tin đồn không chính xác ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán…
Hội Sinh viên Việt Nam tại Mỹ cũng có rất nhiều hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ những sinh viên ở lại Mỹ thích nghi với những thay đổi do dịch bệnh gây ra cũng như phòng tránh dịch, cập nhật những thông tin quan trọng từ Đại sứ quán Việt Nam, cung cấp đường dây nóng để giải đáp thắc mắc hoặc yêu cầu trợ giúp của bất kỳ sinh viên nào tại Mỹ khi cần nên các em cũng yên tâm phần nào.
Cho đến nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha chưa ghi nhận trường hợp công dân Việt Nam nào nhiễm Covid-19. Những ngày qua, Đại sứ quán cũng đã thông báo rộng rãi và cập nhật thường xuyên đến cộng đồng bà con người Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập tại Tây Ban Nha về các chính sách của Chính phủ Việt Nam; vận động công dân tuân thủ các chỉ dẫn của chính phủ sở tại; tránh di chuyển ra khỏi khu vực sinh sống; tránh tập trung đông người; thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng và chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).