Bảo tồn văn hóa Mường ở Thạch Thất
Hà Nội - Ngày đăng : 07:49, 27/05/2022
Gìn giữ những nét đẹp
Không chỉ chú trọng nâng cao đời sống vật chất, người dân các xã miền núi Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung của huyện Thạch Thất còn lưu giữ, bảo tồn nhiều nét đẹp văn hóa Mường như cồng chiêng, ngôn ngữ, trang phục... Theo bà Bùi Thị Đường, Đội trưởng Đội cồng chiêng thôn 1 xã Yên Bình (huyện Thạch Thất), để giữ gìn văn hóa cồng chiêng, đội đã mời một thầy giáo ở Hòa Bình về giảng dạy từ cách đánh cồng chiêng đến lối hát... Xã hỗ trợ cồng chiêng, các thôn tổ chức biểu diễn vào dịp lễ, Tết. Các đội cồng chiêng còn tham gia nhiều hội diễn văn nghệ quần chúng...
Là một trong những người truyền dạy văn hóa cồng chiêng cho đồng bào Mường, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn ở thôn Đồng Dâu (xã Tiến Xuân) cho biết: “70% dân số xã Tiến Xuân là người Mường và hiện có tới 30 bộ chiêng. Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Mường, tôi đã tham gia thành lập Câu lạc bộ cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân; đồng thời vận động thế hệ trẻ tập luyện cồng chiêng, tham gia giao lưu biểu diễn…”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) Đoàn Thị Thịnh, người Mường ở Yên Bình vẫn lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc như: Nhà sàn, trang phục, ẩm thực, cồng chiêng, các làn điệu hát, múa, trò chơi dân gian... Thời gian qua, được sự hỗ trợ của huyện, xã đã hướng dẫn các thôn, trường học trên địa bàn tổ chức hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, hoạt động tập thể, đợt sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bằng tiếng Mường...
Về vấn đề này, Phó Chánh Văn phòng UBND huyện Thạch Thất Phí Văn Hưng thông tin: Huyện đã ban hành quy chế hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, gắn với hoàn thiện hương ước, quy ước thôn, làng văn hóa tại cơ sở...; đồng thời hỗ trợ các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung mua cồng chiêng. Người dân các thôn cũng đã chủ động xã hội hóa, mua sắm nhiều bộ chiêng Mường. Đến nay, các xã đã có hơn 50 bộ chiêng, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường trong đời sống hiện tại.
“Văn hóa cồng chiêng đã đi sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những dịp lễ hội, đám cưới, mừng thọ… và ngày càng thu hút sự quan tâm của người dân trong và ngoài huyện”, ông Phí Văn Hưng cho biết thêm.
Nhiều giải pháp phát huy giá trị văn hóa Mường
Thành công là rất đáng ghi nhận, nhưng thực tế cho thấy, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc Mường tại huyện Thạch Thất vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh. Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình Nguyễn Giáp Dần cho biết, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa Mường trong đời sống đương đại, cùng với việc thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân, xã đã triển khai nhiều giải pháp như: Duy trì việc sinh hoạt theo phong tục tập quán của người Mường trong không gian văn hóa nhà sàn truyền thống; sử dụng trang phục truyền thống khi tham gia các hoạt động cộng đồng…
Chung sức cùng chính quyền và người dân, nhiều năm qua, nghệ nhân Bùi Thị Bích Thìn ở xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) đã dốc hết “vốn liếng” nghệ thuật cồng chiêng cho các thế hệ trẻ nhằm đánh thức niềm đam mê ca hát, chơi cồng chiêng... Từ những nỗ lực như vậy, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng được bảo tồn, nhân rộng và phát huy giá trị trong đời sống của người dân địa phương.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND xã Tiến Xuân Đinh Công Long thông tin, thời gian tới, xã sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường; đồng thời, khôi phục và phát huy một số di sản văn hóa như: Trang phục, ngôn ngữ, chiêng Mường, mo Mường...
Đánh giá cao các hoạt động giáo dục, gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa Mường của chính quyền và người dân các xã Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, cùng với việc thường xuyên tổ chức trình diễn trang phục dân tộc Mường gắn với biểu diễn văn nghệ để thu hút thế hệ trẻ cùng tham gia, huyện đã yêu cầu cơ quan chức năng phối hợp với 3 xã miền núi thúc đẩy các hoạt động cộng đồng về văn hóa vật thể, phi vật thể; vận động lớp người cao tuổi truyền lại những giá trị truyền thống cho thế hệ trẻ, qua đó giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong đời sống hôm nay.
Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mường ở huyện Thạch Thất không chỉ góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào địa phương mà còn hướng tới phát triển du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, làm đẹp, làm giàu cho quê hương.