Những số phận mỏi mòn nơi xóm chạy thận

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 16:40, 08/04/2020

Nằm trong ngõ Cột Cờ - Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng (Hà Nội) những dãy nhà trọ nhỏ, sâu hun hút ngày nắng hay ngày mưa đều chỉ le lói ánh sáng, cũng giống cuộc sống nhiều bệnh nhân chạy thận trong xóm trọ chỉ còn le lói. Căn bệnh suy thận mãn đã rút hết sinh lực của họ, bất cứ ngày nào với họ cũng là ngày cuối cùng. Chẳng cần đến lúc dịch Covid-19 xuất hiện thì cuộc sống của họ vốn đã rất mong manh…
Những số phận mỏi mòn nơi xóm chạy thận
Lam lũ những khu nhà trọ của người chạy thận

Những căn phòng trống…

Bệnh nhân ở xóm thận này, người trẻ thì từ 20 – 30 tuổi, già thì từ 60 – 70 tuổi, hàng trăm người ở mọi nẻo, mọi tỉnh thành, nhưng họ cùng chung một số phận. Cái xóm ấy có nhiều nhà cho thuê trọ, chủ yếu là những căn phòng trọ nhỏ xíu, rộng thì kê vừa giường đôi, còn đa số chỉ đủ kê một chiếc giường một. Các dãy phòng chẳng bao giờ vắng khách thuê trọ. Ấy thế nhưng cứ thỉnh thoảng những người trọ cùng xóm lại thẽ thọt đi qua những căn phòng trọ trống. Mới hôm qua thôi, căn phòng ấy còn có người bệnh như họ thuê, cùng đồng cam cộng khổ, nhưng rồi hôm nay như ngọn đèn cạn kiệt dầu, đã nhắm mắt xuôi tay. Căn phòng trống trải, người mới đến thì thấy lạnh lẽo, nhưng người ở lâu thì biết rằng đó là điều tất yếu, bởi không biết khi nào, căn phòng họ đang ở, lại trở thành một căn phòng trống.

Không chồng, cũng chẳng con, bà Nguyễn Thị Ráng, sinh năm 1963, quê Đông Hưng, Thái Bình lấy bệnh viện làm nhà, những bệnh nhân trọ cùng xóm chạy thận Lê Thanh Nghị là người thân. Đã hơn 2 năm nay, bà không về quê thăm người mẹ già đã 87 tuổi mà sống lay lắt trên phố nhờ vào tuần 3 buổi lọc máu.

Còm cõi, khó khăn, bà Ráng đưa tôi đến thăm căn phòng nơi bà thuê trọ. Nói là phòng, nhưng thực tế nó chỉ vẻn vẹn 3,4m2, kê vừa đủ một chiếc giường cùng tầm 50 phân dư ra để đặt những đồ cá nhân khác. Căn phòng lợp mái tôn, được trát sơ sài với lớp tường gạch mỏng dính. Có lẽ chỉ cần một trận mưa cũng đủ cả vách tường ướt sũng. Mùa hè chắc không cần tưởng tượng, dưới cái nóng 39, 40 độ, căn phòng có lẽ không khác cái lò xông hơi.

Phòng của bà Ráng là một trong 7 phòng ở cùng một khoảng đất tầm trên 30m2. Số phòng nhiều, diện tích phòng nhỏ, nên đầu hồi chủ nhà có dành ra chút diện tích để bệnh nhân có thể sử dụng làm bếp. Cuối dãy là nhà vệ sinh vẻn vẹn 1m2 cùng nhà tắm đối diện. Người đàn ông đang cặm cụi lăn sơn bên ngoài các vách phòng chào tôi rồi cho biết, ông vốn là chồng của một bệnh nhân đang trọ ở đây, quê Nam Định. Hôm nay lên thăm vợ, thấy nhà cửa tuềnh toàng, tối tăm nên đi mua sơn rồi về lăn cho cả dãy. “Các bà ấy khổ quá cô ạ. Hôm trước Hà Nội có trận mưa, nước ngập mấp mé chân giường. Tạnh mưa, người nào người ấy cầm bát tát nước ra khỏi phòng mà thở như kéo bễ”. Ông cho biết.

E ngại vì chuyện Hà Nội sắp vào hè, bà Ráng cười với tôi. Rằng bà quanh năm mùa đông cũng như hè, cứ sù sụ chăn áo. Thân nhỏ gày còm chỉ còn da với xương, làm gì còn sức để mà cảm thấy nóng. Bà yếu lắm rồi, những ngày chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai, lúc đi bà bắt xe ôm đầu ngõ vào viện, lúc về thì đi cùng xe với một cậu cùng xóm. Bà bảo: “Hôm trước cậu ấy bảo có lẽ cậu ấy bán xe, tôi lo lắm. Nếu cậu ấy bán thì không biết tôi đi đứng thế nào. Tháng 100 nghìn tiền xe ôm thì cố gắng được, chứ hơn nữa thì lấy đâu ra. Mà sức thì không thể lê nổi chân từ bệnh viện về nhà trọ được.”

Chẳng thế mà hai năm trời rồi, bà đâu có về được nhà. Mẹ già ở quê nhờ anh em họ hàng, con cháu chăm sóc, còn bà có Tết, có lễ cũng chịu vì tuần 3 buổi cứ đều tăm tắp. Thiếu một buổi cũng không được. Đi một km đã vất, nói gì đến cả hành trình vài ba tiếng đồng hồ ngồi xe mà về quê.

Bà Ráng cho biết, nhà trọ này là nhà trọ thứ bao nhiêu bà chuyển trong xóm này bà không nhớ nữa. Chuyển vì một phần không còn đủ tiền thuê, một phần vì chủ nhà xây chung cư mini cho thuê để được giá. Cứ di chuyển đầu xóm, cuối xóm như thế. Cũng may nhà cũng chẳng có gì mà chuyển, thế nên “di động” cũng không ngại.

Những số phận mỏi mòn nơi xóm chạy thận
Bà Nguyễn Thị Ráng trong căn phòng trọ rộng 3 - 4m2

Câu chuyện thỉnh thoảng ngắt quãng vì người qua, người lại hỏi thăm bà Ráng. Bởi trong khu nhà trọ này, bà là người yếu nhất rồi. Mấy hôm trước ở xóm cũng đã tiễn một người về trời, phòng còn trống để đó chưa có ai thuê. Cứ đi qua, đi lại thấy trống trải nhưng với các bà, có lẽ chuyện cũng đã quen. Bao nhiêu năm trời, người còn, người mất đã không còn khiến những bệnh nhân nơi đây quá xúc động. Trăm người cùng một cảnh ngộ, chuyện nhắm mắt xuôi tay cũng là chuyện sớm muộn mà thôi.

Những bữa cơm 10 nghìn đồng

“Bà ý ốm nhiều rồi đấy - bà Hứa Thị Rinh, sinh năm 1950, huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bảo tôi. Bà là người mới đến sống khu này từ tháng 12 năm 2018. Bà bảo, nhà bà có 6 người con, nhưng lúc bà ốm mới có người xuống, còn không bà cứ kì cạch một mình thôi. Dẫn tôi ra chỗ nấu bếp cùng các căn trọ khác, bà bảo, cơm bà nấu ở đây. Chỉ được ăn 10 nghìn/bữa thôi, cũng có khi thế là đã là tươm tất vì chẳng có tiền để mà ăn hơn. Nhiều lúc có cái bánh mỳ của ai đó hảo tâm đem tặng, đó cũng đủ để giải quyết một bữa no rồi.

“Đợt rồi cái gì cũng tăng giá do mọi người sợ dịch Covid-19, cũng may chúng tôi mới được nhận bao gạo của người ta trao, thế nên chút mắm, ít rau cũng xong bữa”, bà Rinh cho biết. Rồi bà ngậm ngùi, tiền thuốc chữa bệnh còn không đủ, nói gì đến tiền ăn. Đói à, cũng chẳng thể đói được đâu. Sức người đã suy kiệt vì bệnh còn mấy mà ăn nhiều, húp bát cháo cầm cự cũng xong bữa. Nhiều khi sáng hôm nay có lịch chạy, tối hôm trước đã quay mòng mòng, đến nhấc chân tay đi còn khó, ăn uống được là bao.

Đã sinh sống và gắn bó với xóm chạy thận 25 năm trời, anh Mai Anh Tuấn (Ba Vì, Hà Nội) gần như là người đầu tiên “đặt móng” của cái xóm này. Bố anh cũng đã có thời gian ra đây cùng là bệnh nhân chạy thận như anh. Nhưng không may, ông đã mất rồi. Và anh cũng tiếp tục chứng kiến những người mới đến, những người khốn khổ ở khắp mọi tỉnh, thành cùng chung bệnh. Không những chung bệnh, họ còn chung sự khó khăn… “Hầu hết những người trọ ở đây là những người cực kỳ khó khăn. Họ thiếu thốn sức để có thể tự lực, họ cạn kiệt tiền bởi quá trình chạy thận không phải ngày 1, ngày 2. Chạy thận, có nghĩa là cuộc sống khi còn hơi thở, là phải nhờ vào sự trợ giúp của máy móc. Có nghĩa việc chạy thận sẽ chỉ dừng lại khi người ta nhắm mắt xuôi tay. Anh Tuấn nói.

Thế nên nhà có người suy thận có vương giả đến mấy cũng sẽ không thảnh thơi. Đó là chưa tính những gia đình như gia đình anh Tuấn đã phải bán hết, vay mượn hết để anh, bố anh… chống chọi bao nhiêu năm nay.

Anh Tuấn cho biết, hiện nay ở xóm chạy thận Lê Thanh Nghị còn khoảng 130 bệnh nhân ở trọ. Đa phần những bệnh nhân ở đây đều có bảo hiểm hoặc trợ cấp của xã hội, bởi họ đều thuộc diện nghèo hoặc tàn tật. Thế nhưng ngoài các danh mục trong bảo hiểm, còn rất nhiều thứ phải chi trả cho cuộc sống thường nhật. “Tùy theo điều kiện kinh tế của từng người, nhưng nói chung 1 tháng tiền thuốc ngoài bảo hiểm của một người chạy thận cũng rơi vào tầm 1 đến 2 triệu đồng. Đó là chưa kể tiền thuê nhà, tiền điện nước, ăn uống”. Anh Tuấn cho hay. 

Theo một bác sỹ đã điều trị cho bệnh nhân thận lâu năm, thì trong dịch Covid hiện nay, đây là những nhóm người dễ bị tổn thương nhất. Anh nói. “Bởi đơn giản, sức lực họ không còn, hệ miễn dịch đã suy yếu. Việc tuần 3 buổi ra vào bệnh viện cũng khiến họ có nguy cơ hơn rất nhiều. Hơn nữa, có thể trong nhóm đối tượng này, họ có thể có thêm những bệnh nền khác.” 

Nguyễn Trang