Cuối tuần, quán ăn càng đông khách, càng nhiều vi phạm
Tin tức - Ngày đăng : 15:26, 25/04/2020
Quán ăn càng đông khách càng nhiều vi phạm
Khảo sát tại địa bàn quận Cầu Giấy, các quán phở gà số 116 Trần Tử Bình, phở Lý Quốc Sư C9 Tô Hiệu, phở Thìn C6 Tô Hiệu... tại phường Nghĩa Tân, khách ngồi kín quán nên không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 1m theo Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Người bán hàng và nhân viên của một số quán ăn không đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách, như tại quán bánh canh cá rô đồng số 12K3 Nguyễn Phong Sắc, quán bún ốc sườn C9 Tô Hiệu,...
Tương tự, tại số nhà 31 đường Xuân Diệu (phường Quảng An) và trong chợ Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ), các quán bán phở bò, bún, miến đông khách nhưng không bảo đảm khoảng cách 1m. Riêng tại số 108 đường Nghi Tàm, nhiều người dân không tuân thủ đeo khẩu trang. Dịch vụ làm gia cầm sống và các quầy hàng bán thịt, cá, rau củ quả... họp ngay dưới lòng đường.
Quán phở ven hồ Ba Mẫu (phường Kim Liên, quận Đống Đa) vừa cho khách ngồi tràn vỉa hè, vừa bày thêm nhiều dãy ghế sát với vườn hoa trên đường đi dạo ven hồ. Chợ "cóc" trong ngõ Thái Thịnh 1 (phường Thịnh Quang) vẫn họp. Tại khu vực phố Đặng Văn Ngữ (phường Trung Tự) sáng nay, một quán phở khai trương, tập trung rất đông người và phương tiện. Công an phường Trung Tự đã kịp thời có mặt, lập biên bản xử lý.
Vi phạm cũng xảy ra tại nhiều hàng quán thuộc quận Bắc Từ Liêm. Đơn cử, trên đường Cầu Noi, một quán cháo lòng đông nghịt khách ngay từ sáng sớm. Hàng chục xe máy đỗ tràn ra vỉa hè, trong quán nhiều thực khách ngồi túm tụm ăn uống.
Cạnh số nhà 32, ngõ 21 đường Kẻ Vẽ, một nhóm thanh niên ngồi tập trung ngay dưới lòng đường uống trà đá, không ai đeo khẩu trang. Phía trong khu đô thị Thành phố giao lưu (đường Phạm Văn Đồng), hai quán trà đá hoạt động trên vỉa hè đường số 11, nhiều người cũng điềm nhiên không đeo khẩu trang.
Trong khi đó, tại địa bàn quận Hai Bà Trưng, ở số 22 Nguyễn Huy Tự, số 8 Lê Quý Đôn, 17 Trần Khánh Dư, 27 Lương Yên, những quán trà đá vẫn mở và tập trung đông người. Khu vực đầu phố Lương Yên giáp với Trần Khát Chân, phố Thọ Lão - Hương Viên, chợ "cóc" vẫn đông đúc, không thực hiện giãn cách xã hội, thậm chí còn tràn xuống lòng đường.
Trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, trước cổng Bến xe Mỹ Đình, số 20 Phạm Hùng, có rất nhiều tài xế xe ôm công nghệ đứng đợi khách, nhiều người không đeo khẩu trang. Dọc theo đường gom Đại lộ Thăng Long, đoạn giáp cổng dự án Vinhomes Smart City, hàng chục người đứng tràn ra lòng đường chào mời khách mua bánh mì; nhiều người ngang nhiên dựng quán ngay trên vỉa hè, bày bán la liệt hoa quả...
Tại quận Hoàng Mai, sau khi thành phố cho phép 30% phương tiện vận tải hoạt động, tại bến xe phía Nam đã xuất hiện tình trạng xe taxi dừng đỗ, đón khách sai quy định. Tương tự, tại phố Đại Từ (phường Đại Kim) tái diễn tình trạng hàng rong tụ họp, buôn bán dưới lòng đường gây cản trở giao thông, nhưng không thấy lực lượng chức năng đến kiểm tra, xử lý vi phạm.
Giao thông ngoại thành thưa vắng, giao thương không nhiều
Khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới tại vùng ngoại thành cho thấy, lưu lượng người, xe qua lại trên các tuyến đường không nhiều, người dân các xã, thị trấn cơ bản tuân thủ nghiêm những quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Tại địa bàn huyện Chương Mỹ, trong ngày thứ ba nới lỏng giãn cách xã hội, trên quốc lộ 6, đoạn qua các xã, thị trấn của huyện khá vắng người và phương tiện đi lại. Phần lớn người dân ra đường đều đeo khẩu trang. Nhiều hàng quán đã mở cửa trở lại nhưng vắng khách. Tuy nhiên, tại các chợ dân sinh ở các xã Đông Phương Yên, Quảng Bị, Đồng Phú..., dù người mua, bán hàng đều đeo khẩu trang nhưng có lúc vẫn chưa thực hiện đúng khoảng cách. Lực lượng công an các xã liên tục tuần tra, nhắc nhở người dân chấp hành về khoảng cách khi mua, bán hàng...
Trong khi đó, trên tuyến quốc lộ 32 qua thị trấn Phùng (huyện Đan Phượng), thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), do là ngày nghỉ cuối tuần nên người tham gia giao thông nhiều, chủ yếu bằng ô tô. Người tham gia giao thông bằng xe máy đều nghiêm chỉnh chấp hành việc đeo khẩu trang. Tại các điểm dừng đèn đỏ, các phương tiện tham gia giao thông dồn lại, nhưng những người đi xe máy tự ý thức đứng cách xa nhau. Nhiều hàng quán kinh doanh muốn đón khách vào sáng cuối tuần nên mở cửa trở lại nhiều hơn. Các chủ cửa hàng đều vệ sinh hàng quán sạch sẽ và có nước rửa tay khô phục vụ người đến mua hàng.
Chủ tịch UBND thị trấn Liên Quan (huyện Thạch Thất) Nguyễn Mạnh Quân cho biết, ngày cuối tuần kèm theo mưa nên người dân trên địa bàn hạn chế ra đường. Thị trấn duy trì một tổ giám sát, thường xuyên tuần tra địa bàn, tuyên truyền để người dân thực hiện tốt giãn cách xã hội, đeo khẩu trang khi ra đường để phòng, chống dịch Covid-19.
Trở lại địa bàn xã Đông La (huyện Hoài Đức), nơi có thôn Đông Lao sau thời gian dài nghiêm túc thực hiện lệnh cách ly tại khu vực xóm 4, có rất ít người dân ra ngoài đường. Phó Chủ tịch UBND xã Đông La Trịnh Đắc Chuyên thông tin, xã đã ra quyết định chấm dứt thời gian cách ly tại thôn từ ngày 11-4 và yêu cầu người dân tiếp tục theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày. Hầu hết người dân trên địa bàn vẫn tự ý thức bảo vệ bản thân và gia đình, ra khỏi nhà là đeo khẩu trang và không tụ tập đông người...
Tại huyện Đông Anh, lượng phương tiện tham gia giao thông trên quốc lộ 3 khá thưa thớt, không xảy ra tình trạng ùn tắc. Tại các khu vực trung tâm của thị trấn Đông Anh, các cửa hàng sửa chữa và rửa xe, các dịch vụ ăn uống, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm… đã mở cửa trở lại nhưng lượng khách ít.
Hầu hết người dân ra đường nghiêm túc đeo khẩu trang bảo vệ sức khỏe. Trên địa bàn huyện cũng không xảy ra tình trạng tụ tập đông người. Người dân đi mua sắm tại chợ Tó cũng chủ động duy trì khoảng cách an toàn. Tuy nhiên, vi phạm nhỏ lẻ vẫn diễn ra, điển hình là quán trà đá hoạt động công khai ngay trước đền Tó sáng cùng ngày.
Tại huyện Gia Lâm, do là sáng cuối tuần và thời tiết tương đối lạnh, người dân không ra đường nhiều nên các dịch vụ trên địa bàn tương đối vắng khách. Tuy nhiên, các thực khách vẫn chen chúc nhau trong những không gian chật hẹp ở các ngõ nhỏ, chưa tuân thủ quy định giữ khoảng cách tối thiểu tại nơi công cộng.
300 người dân thôn Hạ Lôi được vận động tự cách ly tại nhà đến ngày 5-5
Chủ tịch UBND xã Mê Linh (huyện Mê Linh) Tạ Quang Thái cho biết, những ngày qua, xã tích cực tuyên truyền và yêu cầu người dân thôn Hạ Lôi không cho trẻ nhỏ ra đường chơi thể thao để thực hiện nghiêm quy định cách ly xã hội. Những nhu yếu phẩm người dân có nhu cầu đều được lực lượng tình nguyện viên hỗ trợ mua kịp thời.
Tính đến ngày 24-4, có 300 người dân thôn Hạ Lôi hết thời gian cách ly tập trung ở các cơ sở của thành phố trở về địa phương đều được các ban, ngành của xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tuyên truyền, vận động tiếp tục cách ly y tế tại nhà đến hết ngày 5-5.
Đồng thời, UBND xã tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng của huyện duy trì 12 chốt cách ly xung quanh thôn Hạ Lôi và chợ hoa; duy trì 66 tổ giám sát hộ gia đình, với sự phối hợp của 30 sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội thực hiện theo dõi, giám sát sức khỏe cho người dân thôn Hạ Lôi 2 lần/ngày...
Tương tự, tại địa bàn xã Dũng Tiến (huyện Thường Tín), buổi sáng 25-4, trời mưa nên có rất ít người qua lại trên các tuyến đường. Riêng địa bàn thôn Đông Cứu - nơi đang thực hiện lệnh phong tỏa, chỉ có lực lượng chức năng ứng trực.
Chủ tịch UBND xã Dũng Tiến Đặng Văn Thắng cho hay, xã vẫn duy trì 7 chốt kiểm soát y tế, trong đó có 3 chốt ở thôn Đông Cứu. Đối với những trường hợp cách ly tại nhà ở thôn Đông Cứu, xã duy trì cung ứng lương thực, thực phẩm, người dân không được ra khỏi thôn. Với các thôn khác, người dân có thể đi lại qua các thôn, trừ thôn Đông Cứu. Những người ngoài đến xã đều phải khai báo rõ mục đích cũng như lịch sử dịch tễ. Tuy nhiên, xã cũng hạn chế tối đa việc cho người ngoài vào xã.