Cao Biền
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 09:10, 26/04/2020
(Thành hoàng làng Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội)
Đền Bạch Mã, một trong tứ trấn - trấn Đông của kinh thành Thăng Long
Cao Biền tự là Thiên Lý, người Bột Hải (Trực Lệ) làm chức Thị lang rồi được vua nhà Đường phong Chinh Nam tướng quân sang cai trị Giao Châu (864-875), vốn là cháu nội Nam Bình quận vương Cao Sùng Văn, đời đời giữ chức cấm binh.
Cao Biền lúc còn nhỏ đã bộc lộ khả năng khác thường. Một hôm thấy có hai con chim bay tít trên trời cao, ông giương cung khấn rằng: “Nếu sau này được vẻ vang thì xin bắn một mũi tên trúng cả hai”. Quả nhiên, ông bắn một mũi tên, làm cả hai con chim cùng rơi xuống. Người đời bấy giờ khen ông là bậc kỳ tài.
Lớn lên, Cao Biền lưu tâm đến việc mở mang kiến thức, chăm chỉ học hành. Ngoài kinh, truyện, sử, ông còn đọc sách thiên văn, địa lý. Sách nào cũng nghiền ngẫm kỹ lưỡng, lại hay suy xét việc xưa nay. Ở ông còn ẩn chứa phong thái một con người có chí lớn và lòng nhân ái khoan hòa vô bờ bến. Cao Biền làm quan Thị lang, có công dẹp giặc Mạng, giặc đẳng nên được cử về làm Thái thú ở châu tần. Tại đây ông lập nhiều công trạng, được các tướng sĩ hết lòng ca ngợi.
Bấy giờ nước Nam ta gọi là Giao Châu bị quân Nam Chiếu hai lần vào đánh phá Đô hộ phủ, cướp đi 15 vạn người, loạn lạc tới 10 năm. Vua Ý Tông thấy Cao Biền văn võ toàn tài nên đã cử đi trấn giữ Giao Châu. Mới nhận chức, ông bị quan Trung sứ đem lòng ghen ghét, chỉ giao cho năm nghìn quân, còn Trung sứ giữ bảy nghìn quân, hẹn cùng vây hãm giặc. Nhưng khi vào trận, Trung sứ lại không đem quân hợp chiến. Cao Biền đã mưu lược, lấy ít đánh nhiều, phá tan quân Nam Chiếu, chém được tướng, bắt sống hơn ba vạn quân. Vua Ý Tông đã phong cho Cao Biền chức Kiểm hiệu, Thượng thư bộ Công, Tĩnh hải quân tiết độ sứ, An Nam đô hộ, kiêm Chiêu thảo sứ hành doanh các đạo.
Đất nước yên bình, ông tuần du thủy bộ các nơi, thấy đường vận chuyển trên biển nhiều chỗ nguy hiểm, ở một cửa biển có tảng đá ngầm, bề ngang đến năm mươi mấy trượng chắn ngang, khiến thuyền bè qua lại nhiều khi va phải bị đắm. Ông sai quân đào phá thì thuổng đào không chuyển, búa đập không tan. Ông bèn sửa lễ cầu thiên địa thần linh. Tự nhiên mưa gió sấm chớp nổi lên, phút chốc trời quang mây tạnh, tảng đá bị vỡ tan. Từ đấy, thuyền bè đi lại thuận tiện và an toàn, vì thế dân mới gọi là cửa biển Thiên Uy.
Cao Biền còn cho đục đá mở đường để vận chuyển quân lương. Trước đây, Phục Ba tướng quân nhà Đông Hán cũng đã sửa sang nhưng không được vì đá xanh nổi lên. Ông lại lòng thành cầu đảo trời đất, mưa gió lại nổi lên như trước, các tảng đá to chắn đường đều vỡ vụn. Từ đấy đường sá thông suốt. Quân sĩ vận chuyển quân lương được dễ dàng. Nhờ có công phá đá, mở đường, Cao Biền được thăng chức Kiểm hiệu, hữu bộc xạ.
Ở nơi trung tâm của đất, lại thấy núi sông hiểm trở, Cao Biền cho đắp thành Đại La. Bên tả có sông Nhị Hà, bên hữu là đầm lầy nghìn dặm, sông Tô Lịch đổ vào Hồ Tây như rồng bay. Cao Biền lưu ở trấn được bảy năm, giảm sưu thuế, bớt tạp dịch, yêu dân như con nên người trong nước đều kính trọng, tôn là Cao Vương, cũng như Sĩ Vương thời Đông Hán sang làm Thứ sử Giao Châu thủa trước.
Khi vương rời trấn đã tiến cử Cao Tầm thay mình và trở về nước trấn đất Kiến Nam, đất Tây Xuyên, được nhà Đường coi trọng, phong tước Bột Hải quận vương. Sau vương mê muội thuật tu tiên, luyện đan bị thuộc hạ Lã Dụng Chi hãm hại, hôm ấy vào ngày mùng 2 tháng 11.
Nước Nam nhớ đến công đức của Vương khi mất có đến 300-400 nơi lập miếu thờ. Riêng tỉnh Bắc Ninh có đến hơn 100 nơi, trong đó có làng Kim Lan (từ 1961 Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).
Bản thần tích làng Kim Lan cho biết về chính tích của Cao Biền: Năm Ất Tỵ (865), vua Ý Tông sai Cao Biền làm Đô hộ tướng quân đem binh đi đánh nước Nam Chiếu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc ngày nay), rồi đặt tĩnh Hải Quân ở thành An Nam, dùng luôn Cao Biền làm Tiết độ sứ. Biền thông thiên văn địa lý, giỏi xem thế đất, lại kiêm cả bấm độn yểm bùa, không gì không thông thạo. Biền cho đắp thành Đại La ở phía tây sông Lô (một tên gọi của sông Nhị) vào sát phía bắc thành rồi lại xuôi xuống phía nam ôm vòng lấy La Thành, đến xã Hà Liễu, huyện Thanh Trì thì hợp lưu với sông Nhuệ. Biền cưỡi thuyền nhẹ thuận dòng vào sông nhỏ, bỗng thấy một cụ già râu tóc bạc phơ, dung mạo kỳ dị đùa tắm giữa sông, nói cười vui vẻ, biết là nhân thần nên rất kinh sợ, bèn đặt tên sông ấy là sông Tô Lịch. Bấy giờ thiên hạ thái bình, quốc gia vô sự, Biền khi thả thuyền trên sông ngắm trăng sáng giữa dòng, lúc tản bộ trên núi, bạn cùng đồng không gió mát, nhàn xem sơn thủy, trải khắp non sông. Trên đường qua hương Kim Lan, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, đạo Kinh Bắc, thấy nơi đây địa mạch sông núi hữu tình, hình dạng như chiếc ghế ngọc, mà nhân dân phong tục thuần hậu, nhà nhà sung túc nên có ý muốn lưu lại đây, bèn sai hai bề tôi là Trạc và Chử xây dựng nhà ở, cùng dân cày cấy, phát triển nông trang, dấy lợi trừ hại, dạy bảo thuần phong mỹ tục, người người đều yêu kính đội ơn. Cao Biền quê ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc ngày nay, nơi có nghề gốm sứ nổi tiếng, có thể Cao Biền còn dạy người Kim Lan nghề gốm sứ. Một số gạch “Giang Tây Quân” tìm thấy trong lòng đất Kim Lan, khiến người ta nghĩ rằng, ngày ấy, tại vùng đất có tên Bạch Thổ, Cao Biền đã dạy cho dân nghề gốm và đã cho nung tại đây loại gạch đặc biệt để xây thành Đại La. “Sau Cao Vương về Bắc quốc, dân làng trông nhớ công đức bèn tô vẽ hình tượng lập miếu để thờ, luôn được linh ứng. Trải các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần đều gia tặng là “Khai sáng Hộ quốc Cứu dân”, phong làm phúc thần. Lại ban cho hai kỳ xuân thu quốc tế, lễ phẩm được dùng tam sinh”.
Miếu thờ Cao Biền ở Kim Lan, xưa nay dân gọi là miếu Cả. Tại đền có tượng Cao Biền tạc bằng đá xanh to như người thật. Tượng tạc ở tư thế ngồi, đầu đội mũ bình thiên, thân mặc áo bào. Bên tả có ngai thờ Trạc Linh; bên hữu có ngai thờ Chử Việt. Khoảng năm 1958 miếu Cả bị dỡ, pho tượng đá Cao Biền chuyển về thờ tại ngôi chùa làng. Đầu năm 2008, đình làng Kim Lan được dựng lại trên nền cũ, tượng Cao Biền được rước về thờ tại đình.
Tại huyện Thanh Trì, nằm ở bờ nam sông Hồng, có làng Phương Nhị, xã Liên Ninh và làng Mỹ Ả, xã Đông Mỹ cũng thờ Cao Biền. Hai làng này còn giữ được thần tích và sắc phong hai làng Phương Nhị và Mỹ Ả trước đây có kết chạ giao hiếu.
Với nước Nam, vương còn là người khởi đầu môn địa lý, để tham cứu tạo hóa, tính toán địa mạch. Các sách “An Nam địa khám đồ” và “Kiềm ký” do vương biên soạn được lưu hành ở đời. Các nhà nho nước ta rất coi trọng môn phong thủy. Các thầy Tả Ao và Nguyễn Huyền nối nhau kế nghiệp, làm cho môn địa lý phong thủy ở nước ta ngày càng phát triển sâu rộng.
Đình thờ Cao Biền ở làng Kim Lan đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp Quốc gia.