Ngày hòa bình đầu tiên với nhà thơ quân đội Phùng Khắc Bắc
Tin tức - Ngày đăng : 14:57, 30/04/2020
Phùng Khắc Bắc khi viết bài thơ này, năm 1985, còn là cây bút văn xuôi mới nhập tịch, chưa đủ sức gây ấn tượng với bạn đọc. Sau khi anh mất, ở tuổi 47, năm 1991, bạn bè mới phát hiện ra tập bản thảo thơ của anh. Chủ yếu được viết trong các năm 1984, 1985, mười năm sau cuộc chiến nên không định mà thành, chủ đề thơ anh có tính cách tổng kết cuộc chiến vừa đi qua. Tổng kết trên nền tâm sự của chính mình. Không bề thế nhưng thẳm sâu và nhiều nghĩ ngợi.
Phùng Khắc Bắc khi viết bài thơ này, năm 1985, còn là cây bút văn xuôi mới nhập tịch, chưa đủ sức gây ấn tượng với bạn đọc. Sau khi anh mất, ở tuổi 47, năm 1991, bạn bè mới phát hiện ra tập bản thảo thơ của anh. Chủ yếu được viết trong các năm 1984, 1985, mười năm sau cuộc chiến nên không định mà thành, chủ đề thơ anh có tính cách tổng kết cuộc chiến vừa đi qua. Tổng kết trên nền tâm sự của chính mình. Không bề thế nhưng thẳm sâu và nhiều nghĩ ngợi. Giới văn chương hồi ấy coi tập bản thảo chưa hoàn chỉnh này, nhiều bài chưa đặt tên, có bài còn ở dạng phác thảo, như một sự kiện lớn của thơ. Nhà thơ Xuân Thiều, người đầu tiên đọc tập bản thảo, đã coi Phùng Khắc Bắc là một tâm hồn thơ lớn tự lãng quên. Sau đó Xuân Thiều và các nhà thơ quân đội đã khẩn trương biên tập và xuất bản tập thơ đầu tay và duy nhất Một chấm xanh của Phùng Khắc Bắc.
Kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, xin mời bạn đọc lắng nghe lại tâm sự người lính thi sĩ trong bài thơ đầu tập: Ngày hòa bình đầu tiên. Bài thơ khép lại một cuộc chiến lâu dài và ác liệt bằng một chiến thắng huy hoàng đồng thời cho thấy một cuộc chiến mới, có khi còn lâu dài hơn và quyết liệt hơn, vừa mở ra trong trái tim người lính trận vừa về lại quê hương. Xin đăng kèm theo đây, như lời dẫn bài thơ, một đoạn trích từ bài tôi viết năm 1992 về Phùng Khắc Bắc:
Thơ Phùng Khắc Bắc thường đầy ý tưởng, Đôi khi chỉ một ý tạt ngang cũng đủ sức làm ta phải dừng lại, nghĩ ngợi. Bài thơ viết khi qua nghĩa trang thăm mộ em, anh viết một ý tạt ngang:
Ta đi giữa sự công bằng ở tầng dưới
và sự bất công ở tầng trên
Tầng dưới là cái chết. Tầng trên là có sự can thiệp của người sống, xây mộ to, xây mộ nhỏ… Sự phong phú trong cảm nghĩ Phùng Khắc Bắc chính là tài năng anh. Ở ta, tư duy kiểu này không nhiều. Nó gần với thơ châu Âu. Đọc anh tôi nhớ nhiều đến bút pháp nhà thơ Hi Lạp Yanis Ritsôt trong tập thơ “Nhà cho thuê”. Xin nói cụ thể vào một bài để thấy rõ phương pháp tư duy thơ của Phùng Khắc Bắc, bài Ngày hòa bình đầu tiên. Người chiến sĩ từ mặt trận trở về sau chiến tranh, phút anh gặp mẹ cũng là lúc gặp cơn mưa, nhà dột. Thơ được bắt đầu từ cơn mưa dột ấy. Một khoảng hẹp còn khô ráo chỉ đủ để anh mắc võng. Lại mắc võng. Anh lại nằm như trong chiến tranh ngay ở căn nhà thân yêu của mẹ khi đất nước đã yên tiếng súng. Người lính nằm im nghe âm thanh chiến tranh trong người mình cất giọng.
Cuộc chiến tranh mới này trang nghiêm hơn, lớn lao hơn vì nó dấy lên tự trong lòng người đã đi qua chiến trận. Và với anh, nó ác liệt hơn vì anh không gì che chắn/ vũ khí lúc này: hai bàn tay. Bài thơ không có câu nào để lộ chủ đề. Ngoại cảnh là nhà dột. Nội tâm là ngổn ngang nỗi lòng thương mẹ, thương trở lại những năm chiến tranh. Mối liên hệ giữa vết thủng sáng của mái nhà và những đốm trắng trên mái tóc mẹ là một sáng tạo, dắt ý nghĩ từ thực tại vào liên tưởng: sức công phá của chờ đợi, của lòng mẹ lo con đi xa. Chính mong đợi của mẹ làm con được sống. Chiến thắng của mẹ là con trở về nhà lành lặn. Hòa bình của con là canh cua, rau mồng tơi và cà. Bài thơ không vần mà sao nghe nhịp điệu tâm hồn rất rõ, đậm đà vị quê hương non nước nhà mình. Bài thơ có một cái tứ chung, được tựa lên rất nhiều ý cụ thể. Chi tiết làm hiện lên đầy đủ những nỗi đời lắt léo. Thơ Phùng Khắc Bắc không ước lệ là thế. Nó tác động mạnh vào nhận thức, nâng tình cảm lên thành trí tuệ.
Ngày hòa bình đầu tiên
Cuộc chiến tranh mới này trang nghiêm hơn, lớn lao hơn vì nó dấy lên tự trong lòng người đã đi qua chiến trận. Và với anh, nó ác liệt hơn vì anh không gì che chắn/ vũ khí lúc này: hai bàn tay. Bài thơ không có câu nào để lộ chủ đề. Ngoại cảnh là nhà dột. Nội tâm là ngổn ngang nỗi lòng thương mẹ, thương trở lại những năm chiến tranh. Mối liên hệ giữa vết thủng sáng của mái nhà và những đốm trắng trên mái tóc mẹ là một sáng tạo, dắt ý nghĩ từ thực tại vào liên tưởng: sức công phá của chờ đợi, của lòng mẹ lo con đi xa. Chính mong đợi của mẹ làm con được sống. Chiến thắng của mẹ là con trở về nhà lành lặn. Hòa bình của con là canh cua, rau mồng tơi và cà. Bài thơ không vần mà sao nghe nhịp điệu tâm hồn rất rõ, đậm đà vị quê hương non nước nhà mình. Bài thơ có một cái tứ chung, được tựa lên rất nhiều ý cụ thể. Chi tiết làm hiện lên đầy đủ những nỗi đời lắt léo. Thơ Phùng Khắc Bắc không ước lệ là thế. Nó tác động mạnh vào nhận thức, nâng tình cảm lên thành trí tuệ.
Ngày hòa bình đầu tiên
I
Anh về lại ngôi nhà mình
Sau mười năm chiến tranh.
Mẹ đón anh buổi bình minh nhập nhoạng,
Cơn mưa đón anh buổi hừng đông chạng vạng,
Mưa… Mưa… Mưa…
Mưa ngoài trời
Khắp nơi,
Mưa ngoài sân,
Nhưng cũng mưa cả trong nhà…
Sau lời mẹ là lời mưa reo ca…
Nhà dột.
Chỗ nằm chỉ còn đủ độ dài giữa hai chiếc cột
Chiều rộng bằng khuôn chiếc tăng.
Mắc võng.
Lại mắc võng.
Vẫn là cây theo anh từ rừng về đây làm cột.
Võng đưa sẽ ướt,
Nhưng đã có con mọt trong cột làm âm thanh
đung đưa
Ngày xưa,
Chỗ ướt mẹ nằm,
Sau mười năm
Vẫn chỗ mưa mẹ đứng
Mẹ trao cho anh chiếc đèn và bảo
Đừng để ngọn lửa rụng!
Mẹ xếp những thùng, chậu, nồi, xoong…
Khúc nhạc mưa nhà dột tấu lên
Ru êm cánh võng,
Người lính nằm im,
Nghe âm thanh chiến tranh trong người mình
cất giọng
Trong đêm hòa bình đầu tiên.
II
Không có trái bom nào rơi trúng mái nhà mẹ,
Không có viên đạn nào bắn thủng mái nhà mẹ
Chỉ có đứa con trai đi xa
Chỉ có sự chờ đợi nặng nề giọt xuống
Đã xuyên thủng mái nhà thành những lỗ to lỗ nhỏ
khác nhau
Nắng mưa lọt vào sau
Xuyên
Xối.
Những sợi nắng, những sợi mưa nếu có thể nối
cũng chỉ dài bằng một phần sự mong đợi
Và những hạt nắng, những hạt mưa
nếu đem xếp lại, có thể cao hơn mọi trái núi.
Mười năm, cũng chỉ là thoáng qua,
Vì tuổi mẹ sáu bẩy lần hơn,
Mẹ vẫn nói đời mình như nắng trận mưa cơn…
Mái rạ của mẹ cũng không thủng lỗ chỗ
Nếu con chỉ đi ra đồng, ra chợ
Chứ không phải đi vào chiến tranh.
Có phải những viên đạn vô hình trong ý nghĩ
Bắn lúc đêm khuya vào đứa con thơ bé
Đã để những lỗ thủng lốm đốm trên màu tóc mẹ
Như những hạt nắng hạt mưa giọt sót vào đây,
Để ai ai cũng phải nhìn và vội ngoảnh đi ngay…
Và đêm nào mẹ cũng khấn, để phập phồng
một lần tin, một lần vui,
Nhưng tai ác hơn, mái nhà cứ thủng.
Chẳng có na-pan, lân tinh, phốt pho
Chỉ có mưa nắng,
Sự xa vắng,
Khiến mái rạ mục mủn, bạc như màu tóc bạc,
Đôi sẻ tự tình bị hẫng hốt hoảng vù lên, bụi mù
như tro bay…
Mong đợi
Yêu thương,
Giả định: sống chết
Của mẹ về con, làm cho con được sống.
Con trở về giản dị,
Cái ngõ nhỏ, mái nhà quê, biến thành cổng trời,
thành lâu đài trong mắt mẹ đón con.
Buổi sớm,
Nắng xiên nghiêng,
Anh nằm ngửa,
Mái nhà có mắt nhìn anh
Người lính
Lần đầu tiên giật mình…
Những hạt bụi nhảy múa rung rinh,
Những con đường sáng lên như nắng
Và mỗi người là hạt bụi lung linh
Mẹ vẫn lên nhà xuống bếp một mình,
Chiến thắng của mẹ là anh
Niềm vui của mẹ là anh.
Nỗi buồn của anh không phải trong chiến tranh…
Những sợi nắng xuyên qua nhà mình
Thành những mũi tên
Thành những viên đạn,
Bắn tiếp vào anh không gì che chắn
Phải nhận tất cả,
Vẫn anh.
Hôm qua chưa nhận một viên đạn
Hôm nay nhận những lỗ thủng
Anh về quê không mang súng
Vũ khí lúc này hai bàn tay.
Mẹ giục:
Ăn cơm, con!
Hòa bình trong canh cua, mồng tơi, cà
Và
Mùi ổ rơm.
1985