Kế thừa và phát triển: Thương hiệu Người Hà Nội đã in dấu trong lòng bạn đọc
Tin tức - Ngày đăng : 11:20, 08/05/2020
Nhà báo Đào Xuân Hưng
Tôi công tác tại báo Người Hà Nội hơn một thập kỷ (2007 – 2019). Một quãng thời gian không dài, nhưng là những trải nghiệm vô cùng đáng quý, nuôi dưỡng vun đắp tôi từ một phóng viên trở thành Tổng Biên tập thứ 10 của báo Người Hà Nội, ở tuổi 38. Giờ không công tác ở báo, nhưng với tôi đây vẫn luôn là ngôi nhà đầy ắp những kỷ niệm trân quý…
Tôi về Người Hà Nội vào dịp tiết trời đang chuyển sang thu. Ngày đầu tiên đến tòa soạn, tìm mãi mới thấy bởi cả dãy phố có 1 số nhà duy nhất là số 126 Nam Cao, phố ngắn nhưng rất đặc trưng. Lãnh đạo báo lúc bấy giờ là nhà thơ Vũ Xuân Hoát và nhà báo Nguyễn Ngọc Hưng, cũng là những người tạo điều kiện giúp tôi có vị trí ổn định tại Người Hà Nội và sau này là nhà thơ Bùi Việt Mỹ, nhà thơ Bằng Việt, cùng các đồng nghiệp thân thiết - những người đã bồi dưỡng và tạo điều kiện để tôi trưởng thành.
Khi được giao nhiệm vụ phụ trách tờ Người Hà Nội cuối tuần, lúc đó, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều cộng tác viên mà nhiều người là nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Lúc bấy giờ, để tăng số lượng phát hành tờ báo, ngoài các kênh truyền thống, tôi sáng kiến nên phát hành trong tổ ngữ văn các trường học trên địa bàn Hà Nội, kết hợp cùng với việc các doanh nghiệp tặng học bổng cho các em học sinh có điều kiện khó khăn. Chính vì vậy, số lượng phát hành báo Người Hà Nội đã tăng lên. Điều làm tôi vui nhất là sự tiếp nhận, đón đọc các tác phẩm văn học đăng trên Người Hà Nội của thầy, cô giáo và các em học sinh.
Năm 2007, hướng đến kỷ niệm 1000 Thăng Long - Hà Nội, tôi có sáng kiến tổ chức cuộc thi viết về Hà Nội với chủ đề “Hà Nội trong trái tim em”, đối tượng dành cho học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên toàn Thành phố Hà Nội. Qua 4 lần tổ chức cuộc thi đã thu hút được 300.000 bài dự thi. Không chỉ thu hút được số lượng đồ sộ về bài tham gia cuộc thi, mà thành công lớn nhất là đã thu hút sự quan tâm của các em học sinh thể hiện tình yêu của mình với Thủ đô Hà Nội.
Đúng vào dịp 21/6 năm 2008, trong lúc mấy anh chị em trong tòa soạn “trà dư tửu hậu” về làm báo, tôi có ý kiến về xu hướng của báo điện tử, được mọi người ủng hộ. Người Hà Nội điện tử ra đời đã góp phần quan trọng trong việc chắp cánh cho những tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ đến với công chúng thuận lợi hơn.
Vào dịp cận kề Tết Bính Thân, năm 2016, tôi được giao nhiệm vụ làm Phó Tổng Biên tập Phụ trách báo Người Hà Nội. Năm 2017, khi bắt đầu lãnh đạo tờ báo tôi tập trung vào việc nâng cao chất lượng nội dung, từ việc sắp xếp lại chuyên mục, mở chuyên mục mới, đặt các nhà văn, nhà thơ uy tín viết bài, trình bày báo khoa học...
Sau cải cách đó nhận được rất nhiều lời góp ý, cả khen và chê, nhưng tôi nhớ nhất ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh khi tôi tới thăm, tặng ông báo. Ông nói “Với điều kiện hoàn cảnh của Người Hà Nội thì anh làm được cho tờ báo như thế này là tốt lắm rồi”.
Không chỉ thực hiện tốt mục tiêu và nhiệm vụ của mình, báo Người Hà Nội còn tổ chức các chương trình “Thương hiệu truyền thống gia truyền nổi tiếng”, “Thương hiệu phát triển bền vững”, “Khúc quân hành”, “Xuân ấm vùng cao - Tình yêu Người Hà Nội”; các cuộc thi ảnh “Nụ cười Hà Nội”, “Mái ấm gia đình Việt”; các hội thảo khoa học: “Báo chí với việc bảo tồn và phát huy văn hóa vật thể của Hà Nội”, “Báo chí với việc bảo vệ và phát triển thương thiệu doanh nghiệp”; Diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp thời hội nhập”… Những chương trình này luôn thu hút được sự quan tâm hưởng ứng đồng hành, ủng hộ của cộng đồng xã hội, các doanh nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trên cả nước.
Nhìn lại chặng đường 35 năm xây dựng và phát triển, Người Hà Nội đang bước vào độ trưởng thành, vừa kế thừa tinh hoa của truyền thống vừa tự đổi mới mình để tiếp tục, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, là tiếng nói của giới văn nghệ sĩ, trí thức Thủ đô nói riêng và của cả nước nói chung.
Hà Nội, tháng 4/2020