Chuyện xưa tích cũ: Đức Khổng Tử tôn học trò Hạng Thác là bậc thầy

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 10:00, 14/05/2020

Đức Khổng Tử sinh ngày Canh Tý tháng 11 (tháng Tý) năm 21 đời vua Linh Vương nhà Chu năm Canh Tuất (năm 551 trước tây lịch), tại huyện Khúc Phụ, Làng Xương Bình, nước Lỗ, nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. 

Các tư tưởng của Khổng Tử đã được phát triển thành một hệ thống triết học được gọi là Khổng giáo. Khổng giáo còn được xem là một tôn giáo lớn của Trung Hoa. Ngài có 4 học trò giỏi là Nhan Hồi, Tăng Sâm, Tử Tư và Mạnh Tử. 

Đời Xuân Thu, vua nước Lỗ là Định Công nhờ có Khổng Tử làm thừa tướng giúp sức nên đất nước trở nên cường thịnh. Sau này có nhiều điều can ngăn vua không nghe, nên Khổng Tử đã bỏ đi chu du thiên hạ. Học trò theo học có đến vài ngàn người.

Trong hành trình chu du thiên hạ, Ngài đã gặp bao nhiêu vương, công, hầu, khanh, tướng, hiền giả triết nhân. Riêng cuộc hội ngộ bất ngờ giữa Ngài và thần đồng Hạng Thác là một sự kiện nhiều ý nghĩa. Chuyện xảy ra như sau:

Đức Khổng Tử cùng một số học trò, trên đường qua nước Tần, gặp một số thiếu nhi chơi đùa giữa đường. Ngài ngồi trên xe nhìn đám trẻ, thấy một cậu bé cặm cụi lấy cát đắp cái thành nhỏ mà không đùa giỡn. Ngài hỏi cậu bé:

- Này cậu bé, cớ sao cậu không chơi đùa cùng với mấy đứa trẻ kia?

Cậu bé đáp:

- Đùa giỡn thì vô ích, vì có thể bị rách áo quần, nhọc công mẹ vá, lại buồn lòng cha, nên tôi không giỡn.

Nói xong, cậu tiếp tục lo đắp thành. Đức Khổng Tử lại hỏi:

- Cậu không tránh cho xe của tôi đi sao?

Cậu bé thản nhiên đáp:

- Từ xưa đến giờ, xe phải tránh thành, chứ có bao giờ thành phải tránh xe đâu!

Đức Khổng Tử nghe cậu bé đối đáp thông minh, bèn bắt học trò khiêng xe qua thành. Ngài liền xuống xe lại gần hỏi nhiều điều, được cậu trả lời thông suốt, sau đó cậu hỏi lại Đức Khổng Tử mấy câu mà Ngài bối rối.

- Năm nay cháu bao nhiêu tuổi?

- Thưa Phu Tử, cháu 7 tuổi.

Khổng Tử liền nói:

- Cháu mới 7 tuổi mà sao đã hiểu biết sớm thế?

- Thưa Phu Tử, cháu nghe nói con cá nở ra 3 ngày đã bơi tung tăng từ hồ nọ đến hồ kia. Con thỏ 6 ngày đã chạy khắp đồng cỏ. Cháu sinh ra 7 năm thì mới được thế.

Lần này thì Đức Khổng Tử thật sự ngạc nhiên:

- Này cháu! Ta xem cháu cũng khá lanh lợi đấy. Nay ta hỏi nhé: Trên núi nào không có đá? Trong thứ nước nào không có cá? Có loại cửa nào không có cổng? Loại xe nào không có bánh? Trâu nào không sinh con, ngựa nào không đẻ? Con dao nào không có cán? Thứ lửa nào mà không khói? Chàng trai nào mà không có vợ? Cô gái nào mà không có chồng? Thứ gì không có trống, không có mái? Ngày nào thì ngắn, ngày nào thì dài? Loại cây gì không có cành? Thành nào không có quan viên? Con người nào không có tên riêng?

Hạng Thác nghĩ một thoáng rồi đáp:

- Trên núi đất thì không có đá. Trong nước giếng thì không có cá. Loại cửa không có cánh thì không có cổng. Kiệu dùng người khiêng thì không có bánh. Trâu đất không sinh con, ngựa gỗ không đẻ. Dao cùn không có cán. Lửa đom đóm không có khói. Thần tiên không có vợ. Tiên nữ không có chồng. Chim mái cô đơn không có trống, chim đực cô đơn không có mái. Ngày mùa đông ngắn, ngày mùa hạ dài. Cây chết không có cành. Thành bỏ không có quan viên. Trẻ em mới sinh không có tên riêng . 

Lúc này Hạng Thác liền hỏi:

- Vừa rồi Phu Tử hỏi cháu nhiều, đến lượt cháu hỏi Phu Tử: Tại sao mà con ngỗng, con vịt lại nổi bồng bềnh trên mặt nước được ạ? Chim Hồng Hạc sao lại kêu to thế. Cây tùng, cây bách xanh cả mùa hè lại cả mùa đông là vì sao?

Khổng Tử đáp:

- Con ngỗng, con vịt có thể nổi bồng bềnh trên mặt nước là nhờ 2 bàn chân vuông là phương tiện. Chim Hồng hạc kêu to là vì cổ chúng dài, tùng bách xanh tươi 4 mùa là vì thân chúng đặc rắn.

- Thưa không. Con rùa nổi trên mặt nước đâu có phải nhờ đôi bàn chân vuông làm bàn đạp. Con ễnh ương kêu to mà cổ nó có dài đâu. Cây trúc 4 mùa cũng xanh mà ruột chúng rỗng đấy thôi.

Chú bé lại nói:

- Thưa Phu Tử cho phép cháu hỏi thêm. Tại sao mặt trời buổi sáng lại to mà buổi trưa lại nhỏ?

- Là bởi mặt trời buổi sáng gần hơn!

- Thế tại sao buổi sáng trời lại mát, buổi trưa mặt trời xa hơn mà lại nóng như thế?

Khổng Tử đang ngập ngừng thì Hạng Thác hỏi tiếp:

- Cháu không làm sao hiểu buổi sáng mặt trời mọc ở phương Đông, buổi chiều lặn ở phương Tây, rồi sáng hôm sau lại mọc ở phương Đông (mà không từ phương Tây mọc lại) và sao người ta lại đặt tên một trái núi là Bất Chu (không tròn). Trên trời có bao nhiêu ngôi sao?

Khổng Tử thở dài trách:

- Mình đang ở dưới đất mà lại hỏi chuyện trên trời!

- Vậy thưa ngài dưới đất có mấy cái nhà?

- Cháu còn ít tuổi mà lại thích hỏi những chuyện xa xôi viển vông ở tận nơi đâu. Chuyện trước mắt thì không hỏi.

Hạng Thác cười:

- Thưa Phu Tử, vâng, cháu xin hỏi chuyện ngay trước mắt đây thôi. Lông mày của Phu Tử có bao nhiêu sợi ạ?

Đức Khổng Tử quay sang nói với môn đệ: “Thật hậu sinh khả úy!”

Sau này Khổng Tử luôn nói với học trò của mình rằng: Thần đồng Hạng Thác là bậc thầy của ta. Khổng Tử đã để lại lời dạy cho hậu thế: "Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sử yên’’ (nghĩa là ba người đi với nhau mỗi người sẽ là thầy trên một lĩnh vực mà hai người còn lại phải học). Đây là lời nhắc nhủ mọi người trong mọi nơi, mọi lúc phải cẩn trọng, khiêm tốn, không nên kiêu căng tự phụ. Khổng Tử đã dạy: “Người quân tử lúc cùng vẫn giữ được trọn đạo, kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng là làm bậy” và còn dạy: “Muốn biết người phải nghe họ nói”.

Đào Thịnh (sưu tầm)