Câu chuyện về bức ký họa chân dung lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc 96 năm trước
Tin tức - Ngày đăng : 07:09, 15/05/2020
Bức ký họa chân dung lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc do họa sĩ người Đức Erich Johanson vẽ ngày 15/9/1924.
Đọc tập một bộ sách “Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành, được biết ngày 15/9/1924, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - tức Bác Hồ kính yêu của chúng ta - đã gặp họa sĩ người Đức gốc Thụy Điển tên là Erich Johanson. Cuộc gặp đó diễn ra tại Triển lãm Nghệ thuật tạo hình Đức, tổ chức ở thủ đô Moskva. Dịp đó, họa sĩ Johanson đã ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc. 41 năm sau đó, vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bức ký họa đã được họa sĩ E.Johanson công bố và ngay lập tức được các cơ quan báo chí, xuất bản ở Đức và nhiều nước trên thế giới giới thiệu rộng rãi.
Đã từ lâu, tôi muốn tìm hiểu kỹ hơn về sự kiện này, song hầu như không tiếp cận được những sách báo và tư liệu có liên quan đến. May sao, gần đây tôi đã được giới thiệu đến gặp và hỏi chuyện nhà báo, nhà thơ Trần Đương - một người chuyên nghiên cứu văn hóa, văn học - nghệ thuật Đức và được ông cung cấp nhiều chi tiết quí giá để tôi thực hiện bài viết này nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tôi tại nhà riêng ở phố Phan Kế Bính, quận Ba Đình, Hà Nội, việc đầu tiên là ông Trần Đương tặng tôi một bản sao bức ký họa chân dung mà ông đã chụp lại tờ bìa tập “Album thơ Hồ Chí Minh” do nhà xuất bản “Cuộc sống mới” (Neues Leben) ấn hành năm 1970 tại Berlin.
Ông cũng vui vẻ giới thiệu bộ ảnh gồm khoảng 60 tấm về mối quan hệ giữa Bác Hồ với các lãnh tụ, cán bộ và nhân dân Đức, do các nhà nhiếp ảnh nổi tiếng Walter Heilig, Horst Sturm và một số người khác chụp trong những dịp Bác Hồ thăm hữu nghị Cộng hòa Dân chủ Đức hoặc tiếp các bạn Đức tại Việt Nam.
Về tác giả bức ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc năm 1924, ông Trần Đương cho biết: Erich Johanson sinh năm 1897, ít hơn Bác Hồ 7 tuổi. Ông là người gốc Thụy Điển, nhưng sinh ra và lớn lên ở Đức, trở thành một công dân Đức, từng là Viện sĩ hàn lâm nghệ thuật bang Sachsen.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và họa sĩ Johanson không chỉ gặp nhau trong ngày 15/9/1924. Cuộc gặp này, theo như Johanson chia sẻ với giới báo chí, đã diễn ra nhiều lần trong suốt thời gian ông phụ trách cuộc triển lãm nghệ thuật tạo hình của quần chúng Đức được tổ chức lần đầu tiên tại tòa nhà mà hiện nay là Bách hóa tổng hợp GUM (Moskva). Một buổi chiều, ông đang quan sát việc sắp xếp tác phẩm để trưng bày thì có một người bước vào. Johanson nói: “Thoạt đầu, tôi tưởng đó là một người Nhật Bản, sau mới biết ông là người Việt Nam. Ông tự giới thiệu tên mình là Nguyễn Ái Quốc. Ông tỏ ra là người say mê nghệ thuật. Cuộc bàn luận sôi nổi giữa chúng tôi kéo dài đến tận đêm khuya, tại một tiệm ăn ở thủ đô Moskva.
Cũng cần nói rõ thêm về Erich Johanson: Ông vốn là một trong những nghệ sĩ đã tổ chức các nhóm cách mạng ở Viện Hàn Lâm nghệ thuật Dresden đầu thế kỷ XX. Chứng tỏ ông là một nghệ sĩ hăng hái hoạt động chính trị, cho nên gặp được Nguyễn Ái Quốc - người mà ông “đã có những ấn tượng sâu sắc” - ông đã thể hiện cảm tình đặc biệt ngay từ giây phút gặp gỡ đầu tiên. Nhận thấy Nguyễn Ái Quốc là con người rất thông minh, ham hiểu biết, Johanson càng quí trọng và lúc nào cũng mong được trò chuyện. Tuy không liên tục, nhưng các cuộc bàn luận, trao đổi giữa hai người đã kéo dài hàng tháng liền. Nghệ thuật và chính trị - đó là hai đề tài hai người đề cập một cách say sưa, tưởng như không dứt.
“Ái Quốc” - Johanson vốn gọi người bạn Việt Nam như vậy. Và ông hiểu cái tên ấy có nghĩa là “Người yêu nước”. Ông nhớ lại: “Nguyễn Ái Quốc là con người kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực, một người uyên bác, sử dụng được nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Trong thời gian gặp gỡ không dài lắm, chỉ độ 4 tháng thôi, Nguyễn Ái Quốc đã học được rất nhiều tiếng Thụy Điển, có thể làm cho người Thụy Điển hiểu một cách dễ dàng. Với một thái độ thân mật, lịch thiệp của mình, Ái Quốc - người bạn mới của tôi rất được yêu mến trong giới họa sĩ chúng tôi”.
Trong quá trình tiếp xúc giữa hai người, Erich Johanson đã ký họa một số bức chân dung “người bạn rất đáng yêu” của mình. Vẽ xong, họa sĩ trao cho Nguyễn Ái Quốc xem: Nguyễn Ái Quốc rất hài lòng và ghi bằng chữ Hán phía dưới một bức họa: “Nguyễn Ái Quốc - ngày 15/9/1924”.
Được hỏi về mối quan hệ về sau giữa hai người, Erich Johanson nói: “Rất tiếc là vào dịp Noel năm đó, Nguyễn Ái Quốc đã rời nước Nga và từ đó tôi không hề nhận được tin tức gì về ông. Tuy nhiên, những câu chuyện và những bức ký họa chân dung Nguyễn Ái Quốc năm đó thì tôi còn giữ mãi. Năm 1965, tôi có nhìn thấy một bức ảnh trên tờ báo, cảm thấy gương mặt trông quen lắm. Thế là tôi lấy ra bức chân dung Nguyễn Ái Quốc mà tôi vẽ năm 1924 ở Moskva rồi đến ban biên tập của tờ báo nọ đề nghị họ cho xem bản gốc tấm ảnh Hồ Chí Minh mà người ta đã đăng nhân kỷ niệm ngày sinh lần thứ 75 của Người. Lúc đó, tôi nhận ra vành tai với hình dáng đặc biệt trên bức ảnh chính là người mà tôi đã vẽ hồi ấy”.
Với niềm vui sướng vô hạn, người họa sĩ già cho in bức ký họa lịch sử lên tờ tạp chí Nghệ thuật tạo hình của Cộng hòa Dân chủ Đức, số ra tháng 12/1965. Cùng với bức ký họa, ông có bài báo nói lên những ký ức và cảm nghĩ sâu sắc về vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam. Ông viết: “Khi thảo luận cùng nhau, Người nói rất sinh động và tỏ ra là người rất am hiểu các trào lưu nghệ thuật ở Tây Âu. Người mỉm cười để lộ rằng: ở Paris, Người cũng vẽ chút ít. Người nói một cách rất tinh tế về những tác phẩm Người đã xem và đánh giá cao các nghệ sĩ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội, kêu gọi đấu tranh. Sau khi nghiên cứu đầy đủ, chính xác, thận trọng, Người nhấn mạnh rằng: “Mỗi dân tộc cần phải chăm lo đặc tính của dân tộc mình trong nghệ thuật”.
Cùng dịp đó, với niềm vui vô hạn, Erich Johanson đã viết một bức thư chúc thọ Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hai năm sau, tờ Buổi chiều của Thụy Điển, đã đăng bài trả lời phỏng vấn Erich Johanson dành cho phóng viên báo này. Giới thiệu về ông, báo viết: “Johanson được giáo dục tinh thần cách mạng trong giới cấp tiến của Viện Hàn lâm nghệ thuật Dresden đầu thế kỷ XX. Thuở thanh niên sôi động của ông mang đầy những sự tích kỳ diệu, trong đó có cuộc gặp kéo dài hàng tháng của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc về Nguyễn Ái Quốc năm xưa, E.Johanson: “Cử chỉ văn hóa và thân mật của Người gây một ấn tượng là Người có uy tín. Người có thể trở thành lãnh tụ không phải bằng một cái gì bề ngoài mà bằng học thức, bằng trí tuệ của Người”. Cũng theo Erich Johanson:
Nguyễn Ái Quốc vừa lý tưởng vừa thực tế. Cũng như tôi, Người ủng hộ chính sách kinh tế mới của Liên Xô. Chính sách đó làm cho Moskva và nước Nga không bị thiếu những sản phẩm nhu yếu. Vừa nghiên cứu, Nguyễn Ái Quốc vừa là đại diện của các dân tộc thuộc địa trong Quốc tế Cộng sản. Người không hề là người cộng sản giáo điều. Toàn bộ tư tưởng và hoạt động của Người hướng vào sự nghiệp giải phóng Việt Nam - Tổ quốc thân yêu của Người cũng như sự nghiệp giải phóng các dân tộc khỏi chủ nghĩa thực dân cũ và mới.