Đặt cột mốc Km số 0 của Hà Nội ở vị trí nào phù hợp nhất?

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:21, 22/05/2020

Góp ý về xây dựng cột mốc Km số 0 của Hà Nội, các nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà sử học... cho rằng kiến trúc cột mốc hài hòa với khung cảnh Hồ Gươm; vị trí chính xác, thuận tiện, an toàn cho du khách tham quan.
Trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ - thuận lợi cho du khách tiếp cận, tham quan

Được sự đồng ý của Bí thư Thành ủy Hà Nội, quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu, xem xét, phát triển Dự án xây dựng cột mốc Km số 0 ở khu vực không gian đi bộ bờ hồ Gươm. Trong đó, cột mốc số 0 của Hà Nội sẽ là công trình điểm nhấn, địa điểm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Phương án kiến trúc cột mốc có tính thẩm mỹ cao, độc đáo, phù hợp với Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Thời gian qua, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhận được nhiều ý kiến góp ý về việc xác định vị trí cụ thể, cũng như thiết kế cột mốc số 0 của Hà Nội. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể đặt tại trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ hướng về Hồ Gươm, sát đường Đinh Tiên Hoàng.
Ông Trần Ngọc Chính – Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, trung tâm của Hà Nội là Hồ Gươm, vì vậy, lâu nay, Bờ Hồ được tính là cây số 0 của Hà Nội. Trong đó, nơi mặc định được coi là điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố là tòa nhà bưu điện, do vậy, có thể coi tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại Bờ Hồ (nay có tên là VNPT Hà Nội) là điểm mốc Km số 0.
Theo phân tích trên, vị trí xây dựng cột mốc số 0 sẽ ở phía trước tòa nhà Bưu điện Bờ Hồ. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính lựa chọn vị trí xây dựng sát cạnh tòa nhà bưu điện, đó là quảng trường Lý Thái Tổ, phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ hướng về hồ Gươm, ngay sát đường Đinh Tiên Hoàng.
Vị trí này nằm cạnh bưu điện, và quan có sẵn khoảng sân rộng thuận tiện cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Thậm chí, chụp ảnh ở vị trí nhìn thấy được tượng đài Vua Lý Thái Tổ, khung cảnh Bờ Hồ, Tháp Rùa, tự nhiên là điểm đến du lịch rất quan trọng tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.
Theo KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cột mốc số 0 là vị trí Tòa Thị chính cũ, nay là trụ sở UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, vị trí cột mốc có thể xê dịch một chút giữa tòa Thị chính cũ và Bưu điện Hà Nội. Do vậy, ông lựa chọn khuôn viên quảng trường và tượng đài Vua Lý Thái Tổ đặt cột mốc số 0.
“Đây là vị trí đẹp, ý nghĩa khi nằm sát UBND TP Hà Nội và tòa Bưu điện Hà Nội. Lại vừa có cảnh quan là khung cảng hồ Gươm, và tượng đài Vua Lý Thái Tổ, vừa có không gian thuận lợi cho khác du lịch vui chơi, chụp ảnh” KTS Phạm Thanh Tùng bày tỏ.
Ngoài ra, đặt cột mốc ở phía trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ còn mang ý nghĩa đánh dấu một thời kỳ mới, cột mốc mới cho Hà Nội hiện đại. KTS Phạm Thanh Tùng mong muốn công trình được thực hiện trong năm 2020 – nhân dịp kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – ông Dương Trung Quốc chia sẻ, mỗi nước có cách lựa chọn cây số 0 khác nhau, nhưng số đông thường lấy nhà bưu điện hoặc toà thị chính (cũng thường ở gần nhau) làm chuẩn.
Tuy nhiên nhìn vào không gian của Hà Nội, Nhà sử học Dương Trung Quốc nêu ý kiến: Kẻ một đường trục từ Toà Thị chính, nay là UBND TP Hà Nội (phía đường Lê Lai), kéo thẳng sang cửa toà bưu điện Hà Nội cũ làm trục ngang và một đường từ chân tượng đài Vua Lý Thái Tổ kéo ra giữa Hồ Gươm gần Tháp Rùa làm trục dọc, giao điểm của 2 trục là mốc số 0. Theo ông Dương Trung Quốc, vị trí này rất thuận cho tầm nhìn hay du khách chụp ảnh lưu niệm.
Kiến trúc thế nào cho độc đáo, phù hợp với Thủ đô nghìn năm văn hiến?
Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đã xây dựng cột mốc số 0, trong đó có 2 hình thức, thứ nhất, xây cột mốc đứng với quan niệm, du khách đã tới với nơi đây như cột mốc tại Washington DC (Mỹ). Thứ 2, xây dựng cột mốc nằm với quan niệm du khách đã đặt chân tới nơi đây như cột mốc tại Thủ đô Paris (Pháp), tại Thủ đô Madrid (Tây Ban Nha).
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam cho biết, do cột mốc số 0 không thuộc hệ thống công trình hạ tầng đo đạc, vì vậy, Cục chỉ nêu ý kiến đóng góp ở góc độ chuyên môn. Trong đó, đặt trong bối cảnh tại Hồ Gươm hiện nay và con người Việt Nam thân thiện thì xây dựng cột mốc theo quan niệm đến với nơi đây, tức là cột mốc đứng sẽ phù hợp hơn.
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Phúc (Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam) đồng tình quan điểm cột mốc có hình thức đứng, nhưng không cao quá 1m để thuận lợi cho du khác chụp ảnh lưu niệm.
Ông cho biết, nếu chúng ta xác định cột mốc cũng là địa điểm thu hút khách du lịch, vậy, làm sao để thuận tiện cho du khách chụp ảnh là tiêu chí cần đặt ra. Nếu cột mốc đứng, chiều cao vừa phải đặt ở không gian Hồ Gươm, lên ảnh vừa lấy được vào ảnh không gian Hồ Gươm, vừa lấy hình ảnh cột mốc số 0, chắc chắn sẽ thu hút khách du lịch. 
Ông cũng góp ý, kiến trúc cột mốc nên bắt nguồn từ ý tưởng liên quan đến biểu tượng văn hóa của đất nước cũng như Hà Nội, sao cho nhìn vào cột mốc du khách nhớ đến Hà Nội.
Vào năm 2009 và 2012, PGS Hà Đình Đức đã đề xuất ý tưởng xây dựng cột mốc số 0 của Thủ đô Hà Nội tại vườn hoa Hàng Khay - Tràng Tiền. Ban đầu, ông có ý định sẽ làm cột mốc bằng đá, có hình dáng giống cột mốc biên giới. Nhưng sau nhiều lần tham gia các cuộc gặp gỡ và trao đổi ý kiến với lãnh đạo thành phố và các nhà nghiên cứu, PGS Hà Đình Đức cho rằng, cột mốc nên được làm nhỏ gọn, có chiều cao khoảng 1m, trên có khắc chữ “Cột mốc số 0”, vật liệu là đá hoa cương.
KTS Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cột mốc đặt ở không gian Bờ Hồ hẹp nên chiều cao phải hài hòa với khung cảnh. Để thuận lợi cho khác du lịch chụp ảnh, KTS Nguyễn Trực Luyện đưa ra ý thưởng chiều cao không nên quá đầu người bình thường, khoảng 1m rưỡi trở xuống.
Tổng thư ký hội Khoa học Lịch sử Việt Nam – ông Dương Trung Quốc cho rằng, không nên xây dựng công trình nào ở đây, thay vào đó chỉ nên có một biểu tượng trang trí đẹp và có ý nghĩa trên mặt đất. Chất liệu hoặc bằng đồng, hoặc bằng đá hay mosaic Mosaic (ghép mảnh, là tác phẩm nghệ thuật hoặc hình ảnh được tạo nên từ việc tập hợp những mảnh từ kính, đá hoặc các vật liệu khác dễ nhận biết) để mọi người tiếp cận và đặt chân vào là đủ như ở số đông thủ đô các nước.
Một số ý kiến đồng quan điểm xây dựng cột mốc nằm để không ảnh hưởng tới cảnh quan, cột mốc ấy có thể làm chìm trên mặt đất, như mô hình tương tự tại Paris (Pháp)... Cột mốc nằm có thể lấy ý tưởng trang trí từ trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn (700 TCN-100) của người Việt cổ. Theo đó, điểm mốc có đường kính khoảng 1m, trang trí họa tiết của trống đồng, ghi thông tin, tọa độ…
Bên cạnh đó, theo các nhà khoa học, cũng như phần đông nhân dân, cột mốc km số 0 của Hà Nội xây dựng trên không gian phố đi bộ hồ Gươm không cần to, hoành tránh mà cần tinh tế, hài hòa với không gian phố đi bộ. 
Theo KTS Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc cột mốc số 0 không nên phức tạp, cầu kỳ, chỉ cần dựng một cột mốc bình thường. Ngoài ra, có thể trang trí thêm cho đẹp mắt, để du khách đến ngắm, chụp ảnh.
Có quan điểm rằng cột mốc số 0 thời Pháp chính là đài phun nước Long Vân, hiện vẫn còn tồn tại trên quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ngoài ra, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam tư vấn có thể đặt cột mốc tại vị trí đồng hồ hoa (ngã tư Hàng Khay và Đinh Tiên Hoàng) của UBND quận Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, các địa điểm trên đều có không gian hẹp, trong khi xây dựng cột mốc số 0 cần tính đến sự thuận tiện, an toàn cho du khách di chuyển cũng như việc có thể ghi lại hình ảnh đẹp bên cạnh cột mốc, trong tổng thể cảnh quan chung của hồ Hoàn Kiếm.

kinhhttedothi