Quan điểm châu Âu khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở
Tin tức - Ngày đăng : 20:04, 23/05/2020
Hiệp ước Bầu trời mở cho phép các quốc gia thành viên do thám phi vũ trang trên không phận của nhau.
Dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Ngoại giao các nước Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Phần Lan, Italia, Luxembourg, Hà Lan, Séc và Thụy Điển, Tân Hoa xã cùng ngày cho biết, các quốc gia châu Âu này lấy làm tiếc vì quyết định của Mỹ với lý do Nga vi phạm các điều khoản của Hiệp ước Bầu trời mở.
Cũng trong thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia kể trên nhấn mạnh sẽ tiếp tục thực thi hiệp ước đã và đang mang lại những giá trị hiển nhiên đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí thông thường và an ninh chung, đồng thời tái khẳng định tính pháp lý và lợi ích của hiệp ước này.
Đối với những vấn đề liên quan đến việc thực thi các điều khoản của Hiệp ước Bầu trời mở, Bộ trưởng Ngoại giao 10 quốc gia châu Âu thống nhất sẽ tiếp tục đối thoại với Nga dựa trên những thỏa thuận đã đạt được trước đó giữa các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và các đối tác châu Âu khác. Đây là động thái nhằm hướng tới mục tiêu giải quyết những vấn đề nổi cộm như việc xóa bỏ lệnh cấm bay qua Kaliningrad.
Trước đó, ngày 21-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở trong thời gian 6 tháng tới. Trước khi đưa ra quyết định này, Mỹ đã tiến hành một cuộc đánh giá cho thấy Nga nhiều lần vi phạm các điều khoản của hiệp ước.
Như vậy, nếu không có diễn biến bất ngờ, Mỹ sẽ chuẩn bị rút khỏi một hiệp ước toàn cầu khác, sau khi rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga hồi năm 2019.
Hiệp ước Bầu trời mở có sự tham gia của 35 quốc gia, được ký kết tại Phần Lan ngày 24-3-1992 và có hiệu lực từ năm 2002. Hiệp ước này cho phép các quốc gia thực hiện hoạt động do thám phi vũ trang trên không phận quốc gia khác nhằm thể hiện sự minh bạch về quân sự.