Bao giờ Hà Nội hết lo ngập úng sau mưa lớn?

Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 08:09, 01/06/2022

Biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ngập úng tại Thủ đô đã được sở, ban, ngành có liên quan… “gạch đầu dòng”, song đến thời điểm này, việc triển khai vẫn chậm khiến Hà Nội luôn đứng trước cảnh cứ mưa là ngập.
Và cơn mưa chiều ngày 23, 29/5 vừa qua là một ví dụ điển hình cho sự chậm chạp đó.
Con mưa chiều ngày 29/5 khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng. Ảnh: Công Trình
Con mưa chiều ngày 29/5 khiến nhiều tuyến đường tại Hà Nội rơi vào tình trạng ngập úng. Ảnh: Công Trình

Lượng mưa vượt mức “chịu đựng”

Do ảnh hưởng của các vùng mây đối lưu, nên bắt đầu từ chiều ngày 29/5, trên địa bàn TP xảy ra mưa lớn trên diện rộng với lượng mưa từ 70 - 180mm, thời gian mưa tập trung từ thời điểm 13 giờ 30 đến 15 giờ 30. Trong đó, một số khu vực có lượng mưa vượt mức “chịu đựng” của hệ thống thoát nước (70mm/2 giờ - PV) như: Hoàng Mai, Thanh Xuân (100mm); Hai Bà Trưng (104mm); Ba Đình (114mm); Thanh Trì (123mm); Nam Từ Liêm (130mm); Tây Hồ (160mm); Cầu Giấy (181mm)…

Lượng mưa lớn, dồn dập trong khoảng 2 giờ đã khiến nhiều khu vực rơi vào tình trạng ngập úng. Trong đó, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là lưu vực sông Tô Lịch với các tuyến đường như: Cao Bá Quát, Phùng Hưng, Liễu Giai, Tông Đản, Thụy Khuê, Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương, Trương Định, Minh Khai… rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài.

Tương tự, mưa lớn cũng đã khiến một số lưu vực sông Nhuệ như Phú Xá, Trần Cung, Phan Văn Trường, Trần Bình, Dương Đình Nghệ - Nam Trung Yên, Đỗ Đức Dục giao thông bị đình trệ. Tại lưu vực Long Biên - sông Cầu Bây, một số tuyến đường nằm trên trục thoát nước Hoa Lâm, gầm chui xe lửa Bắc Đuống, Đức Giang, Nam Đuống cũng trong tình trạng tương tự.

Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, năm 2022, Hà Nội vẫn còn 11 điểm trọng yếu về ngập úng. Hiện trên địa bàn TP có 29 công trình đang tổ chức xây dựng gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước. Trong đó, Xí nghiệp Thoát nước số 1 là 4 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 2 là 2 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 3, 1 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 4, 6 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 5, 5 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 6, 6 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 7, 2 dự án; Xí nghiệp Thoát nước số 8, 1 dự án; Xí nghiệp quản lý duy trì hồ 2 dự án.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, để đảm bảo công tác phòng, chống úng ngập, ngay khi có mưa, Công ty đã triển khai công tác ứng trực, giải quyết thoát nước, tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý. Đồng thời vận hành các cửa phai hồ Bảy Mẫu, Đầm Chuối, Hố Mẻ… và các trạm bơm Yên Sở, Đồng Bông 1, Đồng Bông 2, Cổ Nhuế… để hạ mức nước trên hệ thống. Tại thời điểm mưa lớn, công ty đã vận hành hết công suất các trạm bơm đầu mối, trạm bơm điều tiết cụ thể trạm bơm Yên Sở vận hành 18/20 bơm, Đồng Bông 1 vận hành 14/14 bơm, Cổ Nhuế 3/3 bơm…

Cũng theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, do đã chủ động trước mọi tình huống xấu có thể xảy ra, nên sau khi trời tanh mưa vài tiếng nước cơ bản đã rút hết trên các tuyến đường, khu vực thuộc lưu vực sông Tô Lịch (các quận nội thành - PV). Song, đối với các khu vực thuộc lưu vực sông Nhuệ như Phan Văn Trường, Trần Cung, Trần Bình, và khu vực Long Biên… công tác thoát nước vẫn gặp rất nhiều khó khăn do những bất cập về hạ tầng, hệ thống thoát nước trong khu vực.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án tiêu thoát nước

Tình trạng ngập úng tại Hà Nội mỗi khi có mưa lớn không phải là vấn đề mới, nó đã tồn tại trong nhiều năm qua. Lý giải về tình trạng ngập úng tại Thủ đô, đặc biệt là lưu vực sông Nhuệ, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội Trịnh Ngọc Sơn cho biết, lưu vực sông Tô Lịch (diện tích khoảng 77,5km2, khu vực đã được triển khai các dự án thoát nước) có thể chịu được trận mưa trên 300mm/2 ngày. Song, khu vực phía Tây Hà Nội (lưu vực sông Nhuệ, diện tích khoảng 110km2), hệ thống thoát nước đô thị tại lưu vực này chỉ có thể chịu được mưa 50mm/ngày.

Lý giải về việc này, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, ngoài việc hệ thống thoát nước bị quá tải, việc khu vực phía Tây rơi vào tình trạng ngập úng kéo dài cũng xuất phát từ việc chậm triển khai xây dựng hệ thống thoát nước theo quy hoạch.

“Khu vực phía Tây Nam có 3 dự án tiêu thoát nước thì hiện mới có dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa đang triển khai. Nước vẫn chủ yếu tự tiêu, tự chảy, phụ thuộc nhiều vào mực nước sông Nhuệ. Khi mực nước sông Nhuệ dâng cao, cos mặt nước cao hơn cos mặt đường tại nhiều vị trí trên Đại lộ Thăng Long và các hầm chui dân sinh, khiến nước không kịp tiêu thoát, thậm chí chảy ngược trở lại, gây ra tình trạng úng ngập cho khu vực” - ông Trịnh Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Đề cập đến những biện pháp nhằm khắc phục tình trạng ngập úng mỗi khi có mưa lớn tại Hà Nội nói chung và khu vực phía Tây nói riêng, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, thoát nước cho Hà Nội là bài toán khó. Về lâu dài, để khắc phục tình trạng trên các đơn vị chức năng cần đầu tư các dự án thoát nước, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các trạm bơm đầu mối, đặc biệt là phía Tây Nam Hà Nội và khu vực Long Biên - nơi việc tiêu thoát nước cũng chủ yếu dự vào việc tự tiêu.

Trong trường hợp chưa giải quyết được các điểm úng ngập khi các trạm bơm tiêu úng và hệ thống kênh dẫn kết nối chưa triển khai, cần có những giải pháp cục bộ. Điển hình như khu vực Đại lộ Thăng Long chưa có trạm bơm việc tiêu thoát nước hoàn toàn là tự tiêu, tự chảy đổ về sông Nhuệ. Song, nhiều khu vực dọc tuyến Đại lộ Thăng Long cos mặt đường thấp hơn so với mặt cos mặt nước sông Nhuệ, nên khi có mưa lớn, tình trạng ngập úng là khó tránh khỏi.

Từ thực tế trên, ông Trịnh Ngọc Sơn cho biết, hiện khu vực này đã được quy hoạch 1 trạm bơm cưỡng bức để đẩy nước từ khu vực Đại lộ Thăng Long ra sông Nhuệ, song đến nay dự án vẫn chưa được triển khai. Do đó, công ty đã đề nghị Sở Xây dựng Hà Nội, UBND TP tách dự án, giao một đơn vị nghiên cứu phương án đầu tư ngay tuyến cống thoát nước dọc Đại lộ Thăng Long và trạm bơm Đào Nguyên để giải quyết úng ngập cục bộ tại khu vực theo quy hoạch phân khu S3.

Phó Trưởng phòng Dự báo Thời tiết - Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Nguyễn Hữu Thành:Ghi nhận lượng mưa cao nhất trong vòng 36 năm qua

Trong những ngày vừa qua, ở các tỉnh Bắc Bộ đã xuất hiện mưa dông, thời gian mưa dông tập trung vào chiều tối và đêm. Chiều ngày 29/5 trước khi xuất hiện mưa dông mạnh ở Hà Nội, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) quốc gia đã ban hành bản tin cảnh báo mưa dông trên khu vực Hà Nội và bản tin cảnh báo ngập lụt cho khu vực nội thành Hà Nội.

Theo số liệu thực đo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, chiều 29/5 tại Láng mưa được 140mm, Thanh Trì là 119mm, Đông Anh 73mm, Hoài Đức 53mm…Theo số liệu lịch sử tại trạm Láng lượng mưa tích lũy trong 1 giờ ngày 15/7/1999 đạt 114.9mm; số liệu lịch sử lượng mưa tích lũy trong 2 giờ ngày 18/6/1986 là 132,5mm. Như vậy, Hà Nội có lượng mưa lịch sử 36 năm.

Do ảnh hưởng của rãnh thấp có trục ở khoảng 22 - 25° bị nén nên ngày 29/5, nhiệt độ ở Bắc Bộ và Trung Bộ có xu hướng tăng. Vào thời điểm cuối tháng 5 như hiện nay, ở các tỉnh Bắc Bộ thường xuất hiện mưa dông nhiệt vào buổi chiều và tối.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, sau đợt mưa như đã nói ở trên, từ ngày 1/6 mưa dông mạnh sẽ tập trung chủ yếu ở khu vực vùng núi Bắc Bộ là chính, cục bộ có điểm mưa to. Còn khu vực đồng bằng Bắc Bộ (bao gồm khu vực Hà Nội) vẫn có khả năng xuất hiện mưa dông vào thời gian chiều tối và tối.

Khu vực vùng núi Bắc Bộ trong những ngày qua đã có mưa nhiều và trong những ngày tới, tiếp tục mưa nhiều nên tại các vùng đồi núi đất đá đã bão hòa nước nên nguy cơ trượt lở đất đã vẫn ở mức cao, người dân cần đề phòng với các hiện tượng trượt lở tránh gây thiệt hại về người và tài sản vật chất.

Lê Mai ghi

kinhtedothi