Củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh
Tin tức - Ngày đăng : 08:07, 24/05/2020
Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.
Nhiều điểm mới có giá trị
- Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Quy định số 213-QĐ/TƯ trong tình hình hiện nay?
- Trước khi có Quy định số 213-QĐ/TƯ, chúng ta thực hiện Quy định số 76-QÐ/TƯ ngày 15-6-2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) “Về việc đảng viên đang công tác ở các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Có thể thấy, qua 20 năm thực hiện, Quy định số 76-QÐ/TƯ đã chứng tỏ đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết.
Tại Hà Nội, đông đảo cán bộ, đảng viên có ý thức nêu gương, động viên gia đình thực hiện tốt các nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Không ít đảng viên trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng... Nhiều tổ chức Đảng ở địa bàn dân cư đã sáng tạo trong thực hiện Quy định số 76-QĐ/TƯ như lập sổ theo dõi, lập nhóm Zalo trao đổi thường xuyên..., qua đó phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đảng viên ở nơi sinh sống.
Tuy nhiên, như đánh giá của các cơ quan trung ương, việc lấy ý kiến nhận xét của tổ chức Đảng nơi cư trú với các đảng viên theo Quy định số 76-QĐ/TƯ còn nặng về hình thức. Yêu cầu “giữ mối liên hệ thường xuyên” của đảng viên chưa đạt yêu cầu đề ra. Do đó, việc ban hành Quy định số 213-QĐ/TƯ với nhiều điểm mới nhằm khắc phục những hạn chế của Quy định số 76-QĐ/TƯ là rất cần thiết, kịp thời, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay.
- Đồng chí có thể cho biết những điểm mới đáng chú ý của Quy định số 213-QĐ/TƯ và ý nghĩa trong thực tiễn?
- Có thể nói, Quy định số 213-QĐ/TƯ là sự nâng cấp toàn diện và cần thiết so với Quy định số 76-QĐ/TƯ. Ngay ở tiêu đề, Quy định số 213-QĐ/TƯ ngắn gọn và toàn diện hơn, nêu đích danh đối tượng thường xuyên giữ mối liên hệ bên cạnh tổ chức Đảng ở nơi cư trú còn là nhân dân. Cả hai quy định đều có 5 điều và cả 5/5 điều trong quy định mới vừa có sự tiếp thu quy định cũ, vừa có bổ sung, điều chỉnh.
Điểm mới đầu tiên là Quy định số 213-QĐ/TƯ tăng cường trách nhiệm của cấp ủy cơ sở nơi đảng viên công tác và cấp ủy cơ sở nơi đảng viên cư trú trong kiểm tra, giám sát cũng như tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ nơi cư trú và ngược lại. Một điểm mới nữa là tổ chức Đảng nơi đảng viên công tác phải cử đại diện gặp gỡ, trao đổi để lấy ý kiến nhận xét của tổ chức Đảng nơi cư trú trước khi bổ nhiệm hoặc giới thiệu ứng cử đối với cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, Quy định số 213-QĐ/TƯ nêu rõ yêu cầu cấp ủy cấp xã phải lập danh sách tiếp nhận đảng viên giữ mối liên hệ ở nơi cư trú để theo dõi biến động, qua đó quản lý đảng viên chặt chẽ hơn. Đối với việc nhận xét hằng năm, quy định mới tăng thêm tính dân chủ khi mở rộng thành phần họp cho ý kiến gồm cả Ban Công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố.
Đặc biệt, Quy định số 213-QĐ/TƯ còn làm rõ, bổ sung nhiều yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể với đảng viên đang công tác như: Tham gia góp ý với chi ủy chi bộ, đảng ủy cơ sở nơi cư trú về những vấn đề bức xúc ở thôn, tổ dân phố; nắm bắt tình hình nhân dân, phản ánh với cơ quan có thẩm quyền; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cơ sở...
Đẩy mạnh theo dõi, đôn đốc thực hiện
- Quy định số 213-QĐ/TƯ nêu rõ, Ban Dân vận Trung ương là cơ quan phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để theo dõi, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện và báo cáo với Ban Bí thư. Như vậy, tại Hà Nội, Ban Dân vận Thành ủy cũng phải đảm đương vai trò tương tự. Xin đồng chí cho biết kế hoạch thực hiện nhiệm vụ này?
- Việc giao ngành Dân vận tham gia theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ là phù hợp với Kết luận số 43-KL/TƯ ngày 7-1-2019 của Ban Chấp hành Trung ương về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TƯ ngày 3-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Ngay sau khi nhận được văn bản của Trung ương, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo Ban Tổ chức Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, Ban Dân vận Thành ủy đã quán triệt, triển khai tới Ban Dân vận các cấp ủy để chủ động nắm bắt, tổ chức tham mưu với cấp ủy cùng cấp việc triển khai nhằm đưa Quy định số 213-QĐ/TƯ nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Ban Dân vận Thành ủy cũng đã đưa nhiệm vụ này vào chương trình công tác năm 2020. Chúng tôi xác định trước hết phải gắn nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ với công tác thường xuyên và các hoạt động kiểm tra thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Ban Dân vận Thành ủy cũng sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy để tham mưu đưa việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy định mới vào chương trình công tác của Thành ủy.
- Để việc thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ thực chất, hiệu quả, theo đồng chí cần lưu ý những vấn đề gì?
- Theo tôi, phải nhận thức rõ rằng, chủ thể thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ chủ yếu là cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên đang công tác tương ứng với các nhiệm vụ được nêu trong quy định mới. Trong đó, vai trò của người đứng đầu cấp ủy sẽ quyết định chất lượng, hiệu quả thực hiện quy định mới này.
Với trách nhiệm của mình, Ban Dân vận Thành ủy và ngành Dân vận thành phố Hà Nội sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Thành ủy và ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố tích cực bám sát, đôn đốc việc thực hiện Quy định số 213-QĐ/TƯ tại các cấp ủy, tổ chức Đảng. Ban Dân vận Thành ủy sẽ kiểm tra, giám sát và kịp thời nhắc nhở, đôn đốc những nơi có biểu hiện thực hiện chưa đúng, kém hiệu quả...
Quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát, chúng tôi sẽ chú trọng gắn tăng cường trách nhiệm của cán bộ dân vận ở cơ sở. Đặc biệt, ngành Dân vận thành phố Hà Nội sẽ tích cực huy động các đảng viên đang công tác tham gia làm dân vận ở nơi cư trú, coi đây là một lực lượng quan trọng để đẩy mạnh các phong trào thi đua ở cơ sở, xây dựng các mô hình “dân vận khéo”, tham gia đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị...
Tôi tin rằng, với sự quan tâm sâu sắc của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy đối với công tác dân vận và việc nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên; sự vào cuộc trách nhiệm cao của các cấp ủy Đảng; Quy định số 213-QĐ/TƯ sẽ được triển khai hiệu quả, tạo chuyển biến mới trong thực hiện trách nhiệm của đảng viên đang công tác với tổ chức Đảng và nhân dân nơi cư trú trên địa bàn Thủ đô. Qua đó góp phần thiết thực khắc phục bệnh quan liêu, xa dân, tiếp thêm sức mạnh củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân, nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!