Cổng Dịch vụ công Quốc gia: Đúng, trúng nhưng chưa đồng bộ

Tin tức - Ngày đăng : 15:43, 25/05/2020

Việc đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia đang đem lại lợi ích rất lớn cho DN, người dân, tạo thêm kênh giám sát, bảo đảm tính minh bạch của các bộ, ngành, địa phương. Tuy nhiên, để sử dụng dịch vụ công hiệu quả vẫn còn nhiều việc phải làm.
Nên cụ thể và rõ ràng
Dưới góc độ cá nhân lẫn DN, Chủ tịch HĐQT Intracom Group Nguyễn Thanh Việt cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đã có những động thái rất nhanh và tích cực để hỗ trợ người lao động và các DN chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể là việc tích cực thúc đẩy hiệu quả xây dựng Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, DN; trong đó đã thêm 6 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm liên thông điện tử trong xét duyệt là linh động, phù hợp với tình hình hiện tại. Tuy nhiên, phải có công tác tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể và biểu mẫu với tiêu chí rõ ràng, không quá nhiều thủ tục để DN và người lao động có thể kê khai nhanh chóng, chính xác, tiếp cận được với nguồn vốn vay kịp thời.

Tiếp nối thành công của Hội nghị trực tuyến “Giới thiệu Cổng dịch vụ công quốc gia và những lợi ích dành cho DN”, dự kiến, ngày 26/5, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị “Hiến kế cải cách thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19”.

Bên cạnh đó là bảo đảm nguồn vốn vay được phân bổ cho đúng đối tượng. Càng rút ngắn thời gian TTHC và tiếp cận nguồn vốn sớm, DN càng nhanh nắm bắt cơ hội để ổn định sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động và vực dậy kinh tế. “Nếu có thể, cần có một Ban chỉ đạo để chịu trách nhiệm và xử lý quyết liệt đối với việc này, vướng mắc thủ tục ở đâu xử lý ngay ở đó. Chúng tôi tin với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự đồng lòng của DN và nỗ lực của bản thân người lao động thì kinh tế nước ta sẽ sớm phục hồi” - ông Việt nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Tổ chức Giáo dục Kingsman Hoàng Trung Dũng khẳng định, các chính sách Chính phủ đang triển khai đều rất hữu ích, song quan trọng nhất hiện nay là các biện pháp hỗ trợ DN bảo đảm được nguồn thu cho người lao động. Không riêng bản thân, mà các DN rất mong có một cổng thông tin chính thống để DN và người lao động tìm kiếm cơ hội, trao đổi thông tin nghề nghiệp cũng như cơ hội việc làm mới sau đại dịch. Song chương trình cần đi vào thực tiễn thay vì hình thức hoặc mang tính “phong trào hậu Covid”. Để Cổng Dịch vụ công Quốc gia đi vào hoạt động hiệu quả cần có thời gian nhất định để các DN làm quen mô hình mới. Nếu có sai sót chỉ nhắc nhở, hướng dẫn chứ không xử phạt hoặc có chế tài ngay. Sau đó, không nên duy trì 2 cách làm song song, cần thay đổi tư duy, dần dần loại bỏ hẳn cách làm cũ để bắt buộc các DN và đơn vị quản lý phải tập trung khai khác hiệu quả tối đa của kênh này.
Doanh nghiệp sẽ khó gần chính sách nếu nặng tính "phong trào"
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, để tiếp tục hỗ trợ người dân, DN, nhất là các đối tượng gặp khó khăn trong và sau đại dịch Covid-19, các dịch vụ công theo hướng liên thông điện tử về xác nhận, xét duyệt, thẩm định giữa các cơ quan thực sự như một làn gió mới, động lực để cho mọi thành phần sớm vực dậy trước ảnh hưởng của Covid-19. Việc áp dụng công nghệ đang thay đổi cục diện rất nhiều lĩnh vực kinh doanh ngành nghề, phù hợp với xu hướng 4.0, nhất là khi dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của từng người dân, đặc biệt với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN. "Chủ trương, chính sách rất đúng và trúng khi hướng đến mục đích đơn giản hóa thủ tục, giảm thời gian, chi phí thực hiện, hạn chế đi lại, tiếp xúc cho người dân, DN... Song cần thực hiện đồng bộ từ cơ sở hạ tầng công nghệ, đến người thực thi"– ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Các chính sách chính là thước đo quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan hành chính đối với công chức, viên chức phục vụ DN và người dân. Đồng thời nâng cao được chất lượng phục vụ, khắc phục được các hạn chế việc phục vụ trực tiếp. TTHC trực tuyến sẽ đơn giản, thuận tiện, dễ sử dụng, đạt được sự tin tưởng của người dân. Tiết kiệm được rất nhiều chi phí, thời gian, giải quyết nhanh chóng, nhiều hồ sơ. Ông Mạc Quốc Anh khuyến cáo, Cách mạng công nghiệp 4.0 với nền tảng kỹ thuật số DN cũng phải thay đổi, áp dụng vào trong điều hành, sản xuất kinh doanh, trong đó có việc thực hiện các TTHC trực tuyến để tăng cạnh tranh...

kinhtedothi