Tạo điều kiện cho mở rộng, bảo tồn di sản đô thị
Kiến trúc - Ngày đăng : 13:40, 01/06/2022
Giải pháp quy hoạch cần phải có ràng buộc pháp luật
Đến nay đã tròn 14 năm mở rộng địa giới hành chính và 11 năm thực hiện đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt. Bên cạnh những kết quả đạt được, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) cho rằng, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế cần phải xem xét trong lần điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô tới đây.
Theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, hạn chế lớn nhất là việc chậm cụ thể hóa quy hoạch. Mặc dù các cấp chính quyền và sở, ngành liên quan đã nỗ lực thực hiện triển khai phủ kín các quy hoạch chung và quy hoạch phân khu cấp 1, quy hoạch ngành các lĩnh vực, nhưng nhiều ngành, lĩnh vực đã phải điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển, các quy hoạch phân khu cấp 2 chưa phủ kín các khu vực phát triển đô thị, các khu vực nông thôn, nằm ngoài ranh giới phát triển đô thị thiếu công cụ quy hoạch để kiểm soát phát triển.
Sau 10 năm triển khai quy hoạch chung cho thấy, dù đã nỗ lực cố gắng, việc phủ kín quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính là không thể và có nhiều bất cập, cần phải xem xét trong tổ chức thực hiện quy hoạch trong giai đoạn tới.
Bên cạnh đó, PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường cho rằng, quy hoạch tổng thể không gắn với thực hiện quy hoạch. Quy hoạch chung thực hiện khá đầy đủ nội dung, thể hiện tầm nhìn, giải quyết vấn đề thực tiễn. Nhưng đánh giá 10 năm thực hiện quy hoạch cho thấy vấn đề tổ chức thực hiện quy hoạch còn khá nhiều tồn tại, từ đó cho thấy đề xuất các giải pháp quy hoạch cần phải có những ràng buộc pháp luật.
Quy hoạch đặt ra định hướng cấu trúc dân số, lao động, cơ cấu chức năng quy hoạch nhưng đến nay vẫn tập trung chủ yếu ở trung tâm. Quy hoạch đặt ra phải phát triển hệ thống các trung tâm phân tán của Thủ đô, của quốc gia, nhưng đến nay vẫn cơ bản giữ nguyên.
Quy hoạch đặt ra phải phát triển cấu trúc hạ tầng và vành đai, nhưng sau rất nhiều nỗ lực vẫn chỉ cải tạo được một phần hạ tầng khu vực nội đô, hạ tầng vành đai mở rộng chưa được thực hiện. Chương trình phát triển đô thị không có dẫn tới việc nâng cấp huyện lên quận và thành lập TP còn nhiều lúng túng.
Bộ máy quản lý đô thị các cấp không đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt là vấn đề nguồn lực và cơ chế chính sách chưa rõ ràng đã làm rào cản khá nhiều cho thực tế phát triển. “Từ những tồn tại cho thấy việc triển khai quy hoạch gắn với khả năng nguồn lực đặt biệt quan trọng và giám sát thực hiện theo quy hoạch cần được nâng cao” - PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường lưu ý.
Hệ thống quy hoạch cồng kềnh, cần xóa bỏ bớt
Với khoảng 30 quy hoạch chuyên ngành, 19 quy hoạch chung các huyện, các đô thị, rất nhiều quy hoạch phân khu và khoảng 700 đồ án quy hoạch chi tiết, 300 quy hoạch nông thôn mới các xã… có thể thấy hệ thống quy hoạch của Hà Nội quá cồng kềnh, thiếu đồng bộ, chồng chéo, không thống nhất là rào cản, mâu thuẫn trong công tác quản lý.
Những vấn đề tồn tại của hệ thống quy hoạch trong cả nước đã hiện diện trong hệ thống quy hoạch của thủ đô Hà Nội. Trong khi đó quy hoạch để khai thác được tiềm năng thế mạnh, để thu hút đầu tư, để tạo nên động lực phát triển không nhiều. Đặc biệt các quy hoạch gắn với những quy định pháp luật chuyên ngành đã lập nhiều rào cản cho sự phát triển kinh tế xã hội.
Do đó, khi Hà Nội triển khai điều chỉnh Quy hoạch chung, cần phải tính đến việc điều chỉnh hệ thống quy hoạch hiện hành, cái gì nên kế thừa, cái gì nên thay đổi, xóa bỏ, nếu không muốn tạo nên rào cản rất lớn cho giai đoạn 10 năm tiếp theo sau khi điều chỉnh Quy hoạch chung.
Từ thực tế triển khai phát triển của Hà Nội thời gian qua, có nhiều định hướng mới, chưa được quy định cụ thể trong Quy hoạch chung Thủ đô đã được triển khai tạo hiệu quả nhất định cho hình ảnh Thủ đô Hà Nội như không gian đi bộ Hồ Gươm, chương trình trồng 1 triệu cây xanh… Tuy nhiên, cũng theo PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường, có nhiều định hướng chiến lược chưa được quan tâm phát triển theo quy hoạch như hệ thống hạ tầng khung, đặc biệt là các tuyến đường vành đai như Vành đai 4; 4,5; 5.
Bên cạnh đó, chậm cải tạo hệ thống sông hồ; phát triển các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái để tái cấu trúc đô thị, hay cải tạo phố cũ, các khu tập thể cũ, các làng xóm đô thị hóa; hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện… gắn với phân bố dân cư.
Việc chậm trễ dẫn tới chất lượng đô thị có nhiều yếu kém, môi trường đô thị không được cải thiện, công trình cao tầng phát triển ồ ạt trong khu vực nội đô. Trong khi đó làm mất nhiều thời gian cho điều chỉnh cục bộ quy hoạch, làm thay đổi các định hướng chiến lược của Thủ đô.
Từ thực tiễn triển khai quy hoạch cho thấy, việc hiểu cứng nhắc một số nội dung thể hiện trong bản vẽ, thuyết minh, quy định quản lý và các quy định pháp luật có liên quan dẫn tới quá trình thực hiện có nhiều vướng mắc, chậm triển khai, phát sinh quá nhiều thủ tục không cần thiết.
“Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua không có nhiều quy hoạch được duyệt so với quy mô của Thủ đô Hà Nội, không có nhiều dự án đầu tư được triển khai mới, phần lớn triển khai theo các cơ sở pháp lý cũ, nhiều định hướng chiến lược chậm đi vào thực tiễn. Nhiều quy định pháp luật được ban hành nhưng mâu thuẫn với thực tiễn, khó thực hiện cũng tác động không nhỏ tới phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch phát triển đô thị nông thôn của Thủ đô Hà Nội trong những năm vừa qua” -PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường nhấn mạnh.
"Sau 11 năm thực hiện quy hoạch chung, có nhiều nội dung bất cập phải xem xét điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, các yêu cầu mới trong công tác quản lý phát triển đô thị, nông thôn và các định hướng chiến lược trong giai đoạn mới của quốc gia, Vùng Thủ đô và của Hà Nội. Trong đó việc tạo điều kiện cho công tác thực hiện triển khai phát triển mở rộng đô thị, cải tạo đô thị, bảo tồn di sản theo quy hoạch cần được quan tâm xử lý trong Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050." - PGS.TS.KTS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng)