Dạo còn trong quân ngũ, đóng quân ở mãi huyện biên giới Bình Liêu của tỉnh Quảng Ninh, mỗi lần được về phép là tâm trạng tôi dấy lên cảm giác háo hức. Khi xe khách bắt đầu lăn bánh trên cầu Long Biên (trước năm 1985, Hà Nội chưa có cầu Chương Dương nên mọi phương tiện từ phía Bắc và phía Đông muốn vào Hà Nội đều phải qua cầu Long Biên) là tôi tỉnh hẳn, cái mệt mỏi đường dài bỗng chốc tan biến.
Không hiểu sao dạo ấy mỗi lần đi qua cây cầu dài gần 2 cây số tôi lại thấy lòng mình ở giữa hai thái cực. Nửa muốn cây cầu dài mãi, dài vô tận để được ngắm lâu hơn dòng sông Hồng quặn đỏ phù sa, được hít thở lâu hơn luồng khí mát lành đang dâng lên từ những bãi bồi bạt ngàn màu xanh của ngô, khoai và các loại rau. Và nửa kia lại mong xe mau mau qua cầu để sớm được hòa mình vào phố. Những cảm giác xao xuyến, nhớ thương cứ đan xen. Khi xe dừng ở Bến Nứa, tôi xuống xe, xốc lại ba lô, chỉnh trang quân phục, đứng lặng năm, mười giây để hít thật sâu “hương phố”. Bao cảm xúc thân thương dồn về. Mong nhớ, hạnh phúc đang dồn về.
Tôi nhớ có lần theo xe của đơn vị tranh thủ “tạt” về Hà Nội một ngày, ấy vậy mà xe ì ạch chạy từ Hòn Gai (Quảng Ninh) mãi tới nửa đêm mới về tới Bến Nứa. Đêm hôm dạo ấy thật vô cùng khó tìm được phương tiện để về nhà. Hơn nữa đi chung chuyến xe còn có mấy anh em nhà ở tỉnh khác. Xe dừng lại đỗ tạm bên lề đường dưới gầm cầu Long Biên. Tuy nhà tôi chỉ cách đó chừng vài cây số, bình thường thì tôi đã hân hoan khoác ba lô hăm hở đi bộ về nhà nhưng đêm đó thì không. Tôi ngủ lại trên thùng xe cùng những người đồng đội.
Đêm ấy là đêm đầu tiên và duy nhất trong đời tôi “ngủ” ngoài đường phố. Những cậu lính trẻ quê tỉnh ngoài cũng háo hức nhưng đấy là cái háo hức lần đầu họ được biết đến một Hà Nội trong đêm. Trên thùng xe, chúng tôi đều không sao ngủ được, mỗi người một tâm trạng nhưng có lẽ đều có tâm trạng chung là được “ngắm đêm Hà Nội”. Ngoài kia, bên cạnh chiếc xe bộ đội lấm láp bụi đường là những con người Hà Nội tất bật mưu sinh.
Cuộc mưu sinh vào ban đêm hồi đó tuy không ồn ào, náo nhiệt như bây giờ nhưng vẫn chứa đựng trong đó những lo toan vất vả. Chúng tôi đưa mắt nhìn theo bóng những chị công nhân vệ sinh đang miệt mài lia chổi hay những chiếc xe đạp nối nhau lặng lẽ đi trên đường. Người tan làm ca 2 hối hả trở về để được vùi đầu ngủ một giấc dài sau những giờ lao động miệt mài trong xưởng máy. Người đi làm ca đêm thì vội vã đạp xe tới chỗ làm để bắt đầu công việc của mình.
Đó là lần đầu tiên tôi nhận ra điều đó. Một Hà Nội vào đêm hối hả đến cảm động trong lòng. Mấy cậu lính đi cùng thấy tôi có vẻ bồi hồi bèn hỏi: “Sao anh không tranh thủ về thăm nhà mấy tiếng? Đến trưa xe lại quay về đơn vị rồi”. Tôi hơi bùi ngùi: “Cũng thấy nhớ nhà nhưng thương các cậu “bơ vơ” trong đêm Hà Nội”.
Đấy là cảm giác, là nỗi niềm của những người đi xa Hà Nội. Ngay cả khi tôi đã rời quân ngũ, trở về sống giữa lòng phố phường Hà Nội rồi nhưng mỗi chuyến công tác là lại một lần chờ đợi, mong ngóng ngày về. Về để được đặt chân lên phố phường, về để “vào phố”, vậy thôi, nhỏ nhoi vậy thôi nhưng với tôi điều đó là một diễm phúc.
Bao nhiêu năm trôi qua, tôi đã được sống đầy đủ cả đêm lẫn ngày trong lòng phố phường Hà Nội. Dường như tôi đã quên đi những cảm giác “trở về”, dần dà quên đi cảm xúc háo hức vượt sông Hồng để “vào phố”. Chợt nhớ câu “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn” của nhà thơ Chế Lan Viên. Một câu thơ ngắn mà khái quát được “cõi lòng” của những người đã đến, đã ra đi và đã trở về. Một Hà Nội đang thay đổi từng ngày. Một Hà Nội ồn ào sôi động cả đêm lẫn ngày đã tạo nên những cảm xúc mới mẻ. Dẫu vẫn biết yêu thương là không bao giờ đủ cả. Vậy nên hãy yêu thương nơi mình đang sống, ngay cả khi chưa hề chia xa.