Năm học 2021-2022, 36/36 trường tiểu học và trung học cơ sở thuộc huyện Đan Phượng đều có phòng thư viện. Với mong muốn đem sách đến gần học sinh hơn, các nhà trường đã không ngừng đổi mới hình thức tổ chức hoạt động thư viện.
Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng, ý tưởng xây dựng thư viện mở ở các nhà trường xuất phát từ mong muốn phát triển văn hóa đọc cho học sinh và cả phụ huynh học sinh, nhân dân địa phương. Tùy điều kiện, các nhà trường có thể tận dụng tối đa diện tích để bố trí góc đọc sách. Phụ huynh học sinh cũng có thể vào thư viện mở đọc sách trong lúc chờ đón con. Cùng với phòng thư viện truyền thống, mô hình thư viện mở không chỉ đem tri thức đến gần hơn với học sinh, mà còn góp phần tích cực vào việc tạo cảnh quan trường học thân thiện, gần gũi.
Trường Tiểu học Đan Phượng là một trong số những đơn vị đầu tiên tổ chức thí điểm mô hình thư viện mở kết hợp với khu vui chơi cho học sinh từ năm học 2017-2018. Một không gian đọc sách thân thiện, gần gũi với thiên nhiên giúp học sinh và nhiều thầy giáo, cô giáo mỗi ngày thêm háo hức. Bà Nguyễn Thị Lan, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Đan Phượng bày tỏ: "Việc xây dựng không gian đọc sách, học tập ngoài trời không chỉ khơi dậy niềm đam mê, tạo thói quen đọc sách cho các con, mà còn khiến phụ huynh cũng muốn học theo, tranh thủ lúc chờ con tan học để vào đọc sách".
Với nhiều tiện ích, mô hình thư viện mở ngày càng được nhân rộng. Nhiều trường học tận dụng diện tích đất trống để làm đồi cỏ nhân tạo, bổ sung hệ thống tủ sách, cải tạo, trang trí các gầm cầu thang để mở rộng không gian đọc sách. Đến nay, 19/36 trường tiểu học và trung học cơ sở của huyện Đan Phượng đã có thư viện mở. Với việc làm tốt quy hoạch mạng lưới trường học, các trường đều dành từ 800m2 đến 1.000m2 để xây dựng thư viện mở với nguồn kinh phí đầu tư ban đầu do UBND huyện cấp.
Phát huy ý nghĩa thư viện mở
Việc duy trì, nhân rộng mô hình thư viện mở tại các trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng trong những năm qua không chỉ góp phần tạo thói quen đọc sách cho học sinh ở mọi nơi, mọi lúc, mà còn tác động tích cực tới chất lượng giáo dục.
Em Kiều Thị Hoa, lớp 9C, Trường Trung học cơ sở Trung Châu (huyện Đan Phượng) - học sinh giành giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa lớp 9 cấp thành phố năm học 2021-2022 chia sẻ: “Thư viện mở tạo thêm rất nhiều cảm hứng cho em trong việc học, nhất là với môn lịch sử. Em có thể tìm đọc tài liệu thường xuyên hơn, mà không phải chờ tới giờ phòng thư viện mở cửa”.
Có mặt tại thư viện mở của Trường Trung học cơ sở Trung Châu vào một buổi chiều cuối tháng 5, phóng viên Báo Hànộimới càng nhận thấy rõ hơn những ý nghĩa của mô hình này đối với việc học tập. Trên khuôn viên 900m2, được bố trí bàn ghế, kệ sách xen lẫn thảm cỏ, học sinh có thể thoải mái đọc sách, chơi cờ, thảo luận bài tập…
Thầy giáo Trần Trung Hiếu, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trung Châu cho biết, học sinh đang dần có thói quen tìm đến thư viện nhiều hơn và vào bất cứ khoảng thời gian trống nào, như: Đầu giờ học, giờ ra chơi, buổi chiều, khi trống tiết… Thời gian tới, nhà trường sẽ trang bị thêm thiết bị hình ảnh, âm thanh, hệ thống máy tính và tài liệu, sách, báo… và phát huy tối đa các điều kiện hiện có để tăng cường văn hóa đọc, tạo động lực cho học sinh trong việc học tập.
Còn theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Thị Nụ, thư viện mở đang dần trở thành cầu nối dẫn học sinh vào thế giới đọc một cách tự nhiên. Các em có nhiều cách chia sẻ câu chuyện, bài học như tìm sách ở thư viện để đọc cho nhau nghe, hoặc đem sách ở nhà tới cùng đọc…
Em Hoàng Yến Dương, học sinh lớp 4H, Trường Tiểu học Hồng Hà hào hứng: “Hè này, em rất vui vì thư viện của trường vẫn mở cửa. Em sẽ dành nhiều thời gian đến trường đọc sách, truyện và cũng có thể đem sách vở đến thư viện học bài”.
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho hay, việc xây dựng thư viện mở đã trở thành nhu cầu thiết thực của mỗi nhà trường và lan tỏa tới cả gia đình học sinh. Phòng sẽ tham mưu với lãnh đạo huyện tăng cường đầu tư, phát triển mạnh mẽ mô hình này; đồng thời hướng dẫn, khuyến khích các nhà trường sáng tạo, tăng sức hấp dẫn của thư viện để đưa hoạt động đọc trở thành thói quen của tất cả học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.