Lạc vào vườn quất tiền tỷ, độc nhất Hà thành
Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 19:00, 06/01/2022
Đến đường Đức Thắng (quận Bắc Từ Liêm) hỏi vườn quất cần thăng của gia đình ông Xuân, hầu như ai cũng biết. Tranh thủ lúc nghỉ ngơi "ăn” chén trà, điếu thuốc, ông Xuân tâm sự, sau nhiều năm nghiên cứu, đến 2015, ông đã ghép quất vào gốc cần thăng cổ thụ, tạo ra cây quất cảnh độc đáo. Ông cũng là một trong số ít người trên cả nước ghép thành công quất với cây cần thăng bonsai.
Do ảnh hưởng trầm trọng từ dịch Covid-19, đến thời điểm này nhiều chủ vườn quất, đào ở Hà Nội vẫn đang “thấp thỏm” chờ “bung hàng” dịp Tết; thế nhưng chủ vườn quất cần thăng ở phường Đức Thắng, quận Bắc Từ Liêm lại bận tối ngày vì phải đánh hàng, tiếp khách... Đang cùng mấy người thợ đưa cây quất (có giá 25 triệu đồng) lên xe đi trả cho khách đã đặt từ hơn một tháng trước, ông Xuân cho hay: “Năm nay tôi làm 160 cây quất cần thăng. Trong đó có 6 tác phẩm đặc biệt, giá khoảng 150 triệu đồng/cây. Đến thời điểm này, khách đã đặt quá nửa vườn, doanh thu năm nay cũng trên 1 tỉ đồng”
Theo ông Xuân, quất cần thăng vườn nhà chủ yếu được mua làm quà biếu nên hàng năm lượng khách không giảm. Thậm chí những ngày gần Tết còn “cháy hàng” nếu như không đặt trước. “Điều khác biệt là ở chỗ, cần thăng (cùng họ) ghép với quất cành (cộng với quy trình chăm sóc đặc biệt), sẽ cho quả mọng, chín vàng, lộc biếc , hoa thơm… biểu trưng cho cái Tết no ấm, sum vầy. Việc ghép hai loại cây với nhau là sự kết hợp hoàn hảo, dễ hút người chơi bởi nếu là quất thường, không thể kiếm đâu ra những gốc to, thế đẹp. Quất bình thường, chơi qua Tết lại bỏ, nhưng với quất cần thăng có thể chơi được nhiều năm. Loại quất này cũng được ông chủ vườn “tạo cơ chế” cho thuê trong dịp tết. Nếu khách mua đứt, chơi xong mấy ngày xuân, có thể nhờ chủ vườn, chăm sóc, bảo hành để chơi tiếp mùa sau - ông Xuân nói
Nghề chơi ắt phải công phu
Theo ông Xuân, để chuẩn bị cho vụ quất, từ khoảng tháng 1, ông đã phải sưu tầm gốc cây cần thăng cổ thụ (có gốc hàng trăm năm tuổi) từ khắp mọi miền về ghép với quất. “Cần thăng là giống cây nhiệt đới, phân bố ở nhiều tỉnh thành, nhưng tập trung nhiều ở vùng Bình Định. Để có được một gốc cần thăng cổ, không phải là việc dễ, do đó tôi phải nhờ các nhà vườn trong đó sưu tầm, chụp ảnh gửi ra. Nếu ưng mới thỏa thuận mua bán. Được cái giờ chỉ cần ưng ý, mọi thứ đã có internet lo"- ông Xuân hóm hỉnh cho hay.
Kỹ thuật ghép, chỉ cần học qua - ai cũng có thể làm, nhưng để ghép được một cây quất cần thăng ưng ý, phải là người có tay nghề, cùng với đó là quy trình chăm sóc đặc biệt thuộc hạng bí truyền. Tùy vào thế gốc cây cần thăng, người trồng sẽ sáng tạo tác và đặt tên.
“Tôi thường tạo dáng quất theo dáng biểu tượng linh vật của năm. Năm nay là năm con hổ, nên tôi đặt tên các tác phẩm theo biểu tượng con giống này”- ông Xuân cho biết tiếp.
Ông Xuân cũng chia sẻ, mấy năm nay, nhờ quất cần thăng mà cuối năm không phải "lao tâm khổ tứ" lo đầu ra cho sản phẩm như nhiều nhà vườn khác. Sang năm, ông sẽ nhân thêm giống, đưa số lượng lên khoảng 200 cây – chắc chắn vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng.
Dạo một vòng quanh vườn quất cần thăng của ông Xuân, đập vào mắt chúng tôi là những cây quất mọng quả, màu sắc tươi tắn, với đủ lộc biếc, hoa trắng, quả vàng. Nếu so với loại quất “nơm” ở những nhà vườn khu vực khác, quả thực vườn quất cần thăng của ông Xuân như có “ma lực” níu chân khách tham quan. Đây thực sự là mô hình sản xuất đang đem lại hiệu quả.