''Mùng ba Tết thầy''

Tin tức - Ngày đăng : 19:51, 03/02/2022

Từ cái thuở “ngày xửa ngày xưa” cho đến “kỷ nguyên 4.0” này, trong đời sống dân gian của người Việt, hễ cứ bàn tới những việc cần phải lưu tâm khắc cốt nhất trong ba ngày Tết Nguyên đán, mấy ai có thể quên câu thành ngữ thiêng liêng: “Mồng một Tết cha. Mồng hai Tết mẹ. Mồng ba Tết thầy”.
''Mùng ba Tết thầy''

“Mồng một Tết cha”, hiểu một cách nôm na, ngày mồng một Tết Nguyên đán - ngày đầu tiên của một năm mới, một mùa xuân mới - với phận làm con cái (cháu, chắt) thì phải ở nhà cha (bên nội) mà thắp nén tâm nhang trên ban thờ, tưởng nhớ các bậc tiên tổ, gửi lời chúc sức khỏe và mọi sự an lành tới ông bà, cha mẹ... “Mồng hai Tết mẹ” cũng giống như ngày mồng một thôi, nhưng diễn ra ở bên nhà ngoại. Còn câu “Mồng ba Tết thầy” ở đây có nghĩa, ngày mồng ba, muốn làm gì thì làm, song việc trước tiên là phải đến chúc Tết thầy giáo, cô giáo.

Những năm 60 của thế kỷ trước, ông nội tôi có cả một khu vườn rộng, chừng vài sào Bắc Bộ. Trong khuôn viên của khu vườn thiêng ấy, ông nội tôi dành hẳn một góc với diện tích hơn một sào để chuyên canh giống cam sành - ở quê tôi, người ta quen gọi chúng là giống cam đường, vì chúng có vị ngọt như đường.

Ông nội tôi rất có duyên, có tình với việc canh nông. Nhờ được chăm sóc tận tâm, tận lực bằng những kỹ năng làm vườn đặc biệt của ông nội tôi mà những cây cam đường ấy năm nào cũng lúc lỉu quả chín vàng màu mật ong.

Cũng là cái thuở tinh khôi nhưng cơ hàn khốn khó ấy, hễ cứ sau Tết ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) dăm ba ngày, ông nội tôi lại cẩn trọng lựa ra vài chục trái cam đẹp mắt nhất trong khu vườn nhà. Cứ gọi là mười quả chằn chặn như một, không thể chê vào đâu được. Sau khi trẩy cam, hai ông cháu đem rửa thật sạch bằng thứ nước mưa tinh khiết trong cái bể được xây ngay đầu hồi ngôi từ đường cổ kính rêu phong của gia tộc chúng tôi.

Cho dù cam đã được rửa sạch, ấy thế nhưng ông tôi vẫn cẩn thận dùng chiếc khăn bông chưa hề qua sử dụng rồi lẩn mẩn lau khô từng quả một. Rồi ông lấy một ít quả đem bày vào những chiếc đĩa sứ cổ và bảo tôi dâng lên các án thờ trong ngôi từ đường (ông nội tôi là trưởng tộc) của dòng họ. Còn lại ba trái cam, ông cụ thủ thỉ: “Chỗ cam này là để sáng mồng ba Tết ông cháu ta đi mừng tuổi thầy học của con”.

Sáng mồng ba Tết, sau khi thắp hương gia tiên xong, lót dạ miếng bánh chưng, ông cháu tôi lên đường. Người thầy đầu tiên trong đời mà tôi đến Tết là cô giáo Dung, người cầm bàn tay thô vụng của tôi để dạy tôi tập viết, tập đánh vần những chữ cái A - B - C đầu tiên.

Vào nhà, việc “cần làm ngay” của ông nội tôi là xin phép cô Dung cho cụ được dâng ba trái cam lên ban thờ gia tiên. Rồi ông tôi thay mặt gia đình chúc sức khỏe cô giáo và gia đình cô. Đáp lễ, cô giáo Dung chúc ông nội tôi và cả gia quyến một năm mới dồi dào sức khỏe, làm ăn phát đạt gấp mười, gấp trăm lần năm ngoái. Cô cũng không quên chúc tôi sang năm mới ngoan hơn, học giỏi hơn.

Khi ông nội tôi quy tiên, đó cũng là thời điểm miền Bắc có phong trào hợp tác hóa. Mấy sào vườn nhà tôi góp vào HTX nông nghiệp. Không còn cam vườn nhà, dù những ngày áp Tết bận rộn với cả trăm thứ việc nhưng mẹ tôi vẫn không quên mua ba trái cam sành ngon nhất ngoài chợ để tôi có chút lễ mọn mà đi Tết thầy. Có năm gần Tết khan hiếm cam, không thể tìm đâu ra, mẹ tôi đành chuẩn bị cho tôi khi thì hộp mứt, năm thì chiếc bánh chưng xanh vuông vức... để sáng mồng ba tôi đi Tết thầy.

Cũng chẳng phải vì thuở “bao cấp” khó khăn nên ông nội tôi, rồi đến mẹ tôi chỉ có thể sắm lễ đi Tết thầy là những trái cam sành đâu. Nhớ có bận tôi hỏi ông nội: “Nhà ta nhiều bánh chưng, sao ông không cho cháu một đôi bánh đi Tết thầy, mà năm nào cũng chỉ là cam?”. Ông tôi bảo, không phải cứ là lễ to vật nặng đi Tết thầy mới là quý. Bố mẹ cháu sinh thành ra cháu. Nhưng thầy giáo, cô giáo lại là người cho chữ để dưỡng dục cháu nên người.

Còn tại sao lại Tết thầy bằng những trái cam đường (cam sành) thì ông tôi giải thích: Cam đường là thứ quý của giời đất phong thưởng cho con người ta sau những tháng mùa đông rét mướt, hanh khô. Cái vị ngọt thanh khiết của cam đường chính là tinh túy của trời và đất. Vậy nên, ngày Tết, trên ban thờ, ngoài bánh chưng xanh phải có quả cam đường dâng lên để tưởng nhớ công sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Còn cam đường mang Tết thầy là để tỏ bày lòng biết ơn của trò với thầy.

Cũng là lời ông nội tôi, cái việc đi Tết thầy không nhất thiết phải lễ to mới là trọn đạo. Mà cốt nhất phải là sự thành tâm, ở cái tình và cái nghĩa. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” - một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Thế cho nên, muốn nên người tử tế để có ích với gia đình, với xã hội và với chính mình thì phải nhớ lấy câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Do vậy, ăn quả thì phải nghĩ tới người trồng cây, mới là trọn đạo nghĩa thầy - trò.

Thời nay, không hiếm cô, cậu học trò vẫn nhớ đến việc Tết thầy. Tất nhiên, học trò thời nay Tết thầy bằng theo cách riêng, khác xa cái thời cắp sách tới trường của tôi và trước tôi. Lại nữa, cũng không nhất thiết phải giữ đúng lệ là vào ngày mùng ba Tết mới đi Tết thầy như thế hệ tôi ngày xưa vẫn háo hức mong chờ với một ý niệm vô tư, thuần khiết và thiêng liêng. 

Thế nên mới mạo muội nghĩ, đừng đơn giản cho rằng “Mồng một Tết cha. Mồng hai Tết mẹ. Mồng ba Tết thầy” chỉ là câu nói nơi cửa miệng, mà phải xem đó như một phong tục thuần Việt với đầy triết lý nhân sinh vô cùng tốt đẹp cần được duy trì, phát triển. Trân trọng nâng niu gìn giữ cho được cái phong tục đẹp ấy như một báu vật vô giá xem ra cũng là tạo điều kiện cho học trò hôm nay và ngày mai thấu triệt tinh thần của chữ “LỄ” trước khi tiếp cận kiến thức trong nhà trường.

HNNN