Miền quê yêu tiếng hát chèo

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 21:53, 07/03/2022

Những ngày này, khi ruộng lúa xuân vừa được cấy ngơi tay, người nông dân lại tất tả với đủ thứ việc không tên của làng, của nghề. Trong bộn bề công việc, tiếng hát chèo ngọt ngào của những “nghệ sĩ nông dân” thuộc Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập, xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên) vẫn đều đặn vang lên mang âm hưởng của một mùa xuân với nhiều hy vọng và là một phần không thể thiếu trong đời sống làng quê.
Miền quê yêu tiếng hát chèo
Một tiết mục của Câu lạc bộ Hát chèo thôn Trung Lập, xã Tri Trung (huyện Phú Xuyên). Ảnh: Sơn Tùng

Câu chuyện của những “nghệ sĩ nông dân”

Trong câu chuyện với phóng viên Báo Hànộimới, ông Lê Văn Nhạnh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập chia sẻ: Là câu lạc bộ hát chèo của một thôn nhưng lại giàu truyền thống. Từ những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước, đất chèo Trung Lập đã được nhiều nghệ sĩ gạo cội của các đoàn chèo lớn về tập huấn, hỗ trợ cũng như “tuyển quân” nên nhiều cô gái của làng Trung Lập có cơ duyên “đầu quân” cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Lê Văn Nhạnh, câu lạc bộ chèo có đủ “ban bệ”: Đội trưởng, đạo diễn, nhạc công và hàng chục diễn viên quần chúng. Những vở diễn như: “Quan Âm Thị Kính”, “Tấm Cám”, “Lưu Bình - Dương Lễ” cùng hàng chục tích chèo, trích đoạn và hàng trăm câu chèo cổ đã được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Bằng lòng nhiệt tình và năng khiếu bẩm sinh, những “nghệ sĩ nông dân” ở Trung Lập đã tự tin bước lên sân khấu để say sưa với những làn điệu chèo.

Bà Lê Thị Nhuệ Phái, “đạo diễn” Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập cho biết: “Khi tôi sinh ra, làng Trung Lập đã có nhiều người hát chèo. Vào những đêm trăng thanh hay những buổi đi cấy, đi gặt, câu chèo chẳng mấy khi ngớt trên cánh đồng. Giờ đây, không chỉ hát cho người dân quê mình nghe, chúng tôi còn tham gia nhiều hội thi, hội diễn và đều có giải thưởng, được ghi danh”.

Cuộc sống dù vất vả nhưng hễ ngơi tay cuốc, tay cày, những “nghệ sĩ nông dân” lại sẵn sàng hóa thân thành nhân vật cổ tích bước lên sân khấu, luôn nhận được những tình cảm tốt đẹp, sự yêu mến của người dân.

Gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa quê hương

Chị Lê Thị Hài, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập chia sẻ: “Chúng tôi lớn lên trong cái nôi hát chèo, chẳng nhớ từ khi nào giai điệu chèo đã ngấm vào máu. Để rồi qua năm tháng, mặc dù học tập, làm việc ở các ngành nghề khác nhau, khi trở về địa phương, tình yêu với làn điệu chèo vẫn không thay đổi”.

Người dân nơi đây mê hát chèo! Bởi, làn điệu chèo có trong lời ru của mẹ, của bà, trong những hội xuân náo nức. Những câu chèo tha thiết theo chân người làng đi khắp các nẻo đường, ra đồng với hạt thóc, củ khoai, lên phố với các cuộc thi, hội diễn. Người dân ở Trung Lập nâng niu, gìn giữ những điệu chèo như vốn quý của làng. Nhiều gia đình trong thôn có đến hai, ba thế hệ biết hát chèo. Anh Lê Hữu Thái, một thành viên trẻ tuổi của Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập bộc bạch: “Không chỉ dựng lại các tích chèo cổ, chúng tôi còn “tự biên, tự diễn” nhiều tiểu phẩm về quê hương. Tự bỏ tiền túi ra mua nhạc cụ, trang phục nhưng chúng tôi vẫn say đắm với làn điệu chèo, bởi đơn giản đó là niềm đam mê”.

Cứ như vậy, “tre già măng mọc”, các thế hệ trao truyền nhau gìn giữ nghệ thuật chèo như một “bảo vật” của làng... Không chỉ vậy, nhiều “nghệ sĩ nông dân” của thôn Trung Lập đã tích cực truyền dạy, hỗ trợ người dân các địa phương khác phát huy nét đẹp của những làn điệu chèo truyền thống. 

Nhiều năm qua, Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Phó Chủ tịch UBND xã Tri Trung Ngô Văn Hùng cho biết: Làn điệu chèo có một sức sống mãnh liệt, là mạch nguồn không thể thiếu trong đời sống văn hóa quê nhà. Làng quê Tri Trung không chỉ đẹp với những con đường hoa thẳng tắp, xanh tươi bốn mùa, mà còn bởi tình yêu chèo được vọng ra từ trái tim mỗi người dân nơi đây. Tại nhiều cuộc giao lưu, đám cưới, mừng thọ... không thể thiếu tiếng hát chèo Trung Lập.

Nói về việc bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của địa phương, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh nhận định: Tiếng hát chèo ở xã Tri Trung không chỉ làm nên chất xuân của làng quê, mà sâu xa hơn còn góp phần làm nên sức sống văn hóa của quê hương. Việc thành lập các câu lạc bộ, người già truyền dạy cho người trẻ, người trẻ phát huy vốn quý của tiền nhân đã nối dài sức sống, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. 

Để góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của làng quê trong đời sống hiện đại, từ nay đến năm 2025, huyện Phú Xuyên sẽ triển khai nhiều giải pháp, trong đó dành một phần kinh phí để hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật dân gian. Cùng với đó, các cơ quan chức năng của huyện Phú Xuyên sẽ tạo điều kiện để Câu lạc bộ hát chèo thôn Trung Lập nói riêng và các câu lạc bộ khác trên địa bàn huyện duy trì hoạt động, giao lưu thường xuyên, góp phần tỏa sáng những giá trị văn hóa truyền thống, bồi đắp những giá trị văn hóa mới cho làng quê Phú Xuyên nói riêng và thành phố nói chung.

HNM