Về nhà
Truyện - Ngày đăng : 18:01, 21/03/2022
Chị xuất khẩu sang Đài Loan lao động hơn chục năm. Khi chị đi, đứa con trai duy nhất mới tròn bảy tuổi. Năm nay, thằng bé đã mười chín. Nó có cái tên rất bắt tai, vừa nghe thôi cũng đủ khiến người ta tấm tắc bố mẹ nó khéo đặt thế! Hào Kiệt!
Ngày chị về hẳn, chồng của chị đã có người đàn bà khác. Họ chung sống với nhau không kiêng dè gì chị, mà chị cũng chẳng có năng lực để giành giật lại thứ từng thuộc về mình. Cũng khó trách ai. Xa mặt cách lòng, huống gì là khoảng thời gian đằng đẵng mười mấy năm, cho dù thi thoảng cũng có liên lạc, chị cũng về thăm nhà được vài ba bận nhưng vội vã. Xót cho người phụ nữ nai lưng cơ nhọc nơi đất khách quê người hơn chục năm ròng rã, đổi lại là một gia đình xẻ nghé tan đàn. Đứa con trai cũng chẳng mấy mặn mà hiếu thuận gì với mẹ ruột, ngược lại nó có vẻ thích dì hai - dì Hoa, người vợ hờ của bố nó.
Chị bưng mặt mấy bận, nước mắt chảy qua kẽ tay. Chị khóc tủi, khóc hận, nhưng chị chẳng thể làm gì khác. Nhà vẫn đấy, chị vẫn về ở cái mảnh đất mà hơn chục năm trước hai vợ chồng chung lưng đấu cật, dựa vào nhau mà đùm bọc qua ngày nơi làng quê nghèo. Thuở ấy, chị chưa đến ba mươi, mẹ chồng lại mắc căn bệnh nan y nên vợ chồng chị gánh vác cả phần chạy chữa cho bà. Sau vì nghèo khổ, vì nợ nần, muốn có tí kinh tế để nuôi con và cũng vì tương lai mà hai vợ chồng bàn nhau về việc xuất khẩu lao động. Bán lúa thóc được chút thêm thắt cùng số tiền vay ở ngân hàng, lo liệu đâu vào đấy và hoàn tất mọi thủ tục cũng như xác định lịch bay, đêm đó chị vùi đầu trong lồng ngực chồng, nghèn nghẹn nhắn nhủ nào là nhớ, nào là thương, nào là phải thế này phải thế nọ, cũng không quên dặn chồng cần chăm sóc cho đứa con đến nơi đến chốn. Câu cuối cùng trước khi hai vợ chồng lại triền miên quấn quýt cho thỏa tâm trạng khi sắp cách biệt nhau, chị nói: Chờ em về, đừng vì em vắng nhà mà bỏ rơi em... Nước mắt chị ứa ra cùng câu nói được chồng hôn sạch. Vậy mà...
- Cô ở bên đó chắc cũng không thể chịu tịch mịch, đã có bao nhiêu thằng đụng chạm vào cô rồi hả? Chuyện đời ấy à, nghĩ thoáng ra cho nó dễ thở. Thằng đàn ông như tôi ở nhà không vợ, gà trống nuôi con, thử hỏi giữ mình kiểu gì cho qua nổi mười mấy năm để chờ cô về? Thôi thì cũng phải có hơi ấm đàn bà, lẽ thường!
Lẽ thường!?
Chị cười, đắng ngắt.
Người đàn ông chưa đến năm mươi tuổi đối diện với chị, lời nói ra chẳng biết là nghiệt hay không nghiệt nhưng âu cũng có cái lý mà chị chẳng cách nào phản biện. Chị ngậm ngùi cúi đầu gắp miếng rau đưa vào miệng, cơm nuốt không trôi. Chồng chị đặt bát xuống mâm cơm đã nguội cóng, thở dài.
- Tối nay tôi không về. Cô ở nhà cửa nẻo cẩn thận. Gọi thằng Kiệt về, hai mẹ con lâu rồi không gặp nên tìm cách mà trò chuyện với nhau. Cô định để nó không coi cô là mẹ đấy à?
Chị lã chã nước mắt, đầu không ngẩng lên. Chị không đủ dũng cảm để nhìn theo bóng lưng người đàn ông từng đầu gối tay ấp kia bước ra khỏi cửa.
Ngôi nhà của chị hiện tại đã rộng rãi khang trang, đủ đầy gọi là có của ăn của để. Nhưng, nó lạnh lẽo trống trải, lòng chị như rơi xuống những mỏm băng nhọn hoăn hoắt...
Cơ hồ cuộc sống cứ thế trôi qua không có gì cải thiện đối với chị, vợ chồng chẳng ra vợ chồng, mẹ con chẳng ra mẹ con. Thằng Kiệt nó lớn rồi đấy, vóc dáng cao ráo, mặt mũi cũng thuộc diện ưa nhìn nhưng tính cục, khó gần. Nó hay phản ứng lại chị bằng những cái liếc mắt hời hợt, họa hiếm lắm mới có khi nó cười với chị và gọi mẹ một tiếng ân cần. Chị hỏi:
- Vì sao con lại đối với mẹ như vậy? Ngày còn bé con thương mẹ lắm...
Không chờ chị nói hết nguồn cơn nỗi lòng, nó đạp bay cái ghế nhựa bên cạnh hằn học:
- Mẹ cái khỉ gió!
Chỉ một câu gọn ghẽ như vậy cũng đủ làm mặt chị tái mét, chết lặng.
Thằng Kiệt có điện thoại, nó tươi cười bắt máy.
"A lô dì Hoa hả?"
Chị cảm thấy cuộc đời mình thất bại triệt để...
Những ngày sau, chị bàng hoàng khi thấy người đàn bà của chồng mình được thằng Kiệt ngang nhiên nắm tay dắt vào nhà. Chưa kịp để chị nói gì, thằng Kiệt đã đánh đòn phủ đầu:
- Ông Tình bảo tôi đưa dì Hoa về, gần đây sức khỏe dì không tốt. Ở đây cho tiện chăm sóc nhau.
- Em... em chào chị! - Người phụ nữ khoảng chừng ba mươi lăm, vóc người nhỏ nhắn và khá duyên dáng ngập ngừng chào hỏi. Trông cô có vẻ gì đó sợ sệt, đôi mắt không dám nhìn thẳng vào chị.
- Cô... cô... nhất định phải làm như thế này ư? Chúng ta đều là phụ nữ. Lẽ nào...
- Thôi đi! Dì Hoa đã ở với bố con tôi mấy năm rồi. Có cái gì không được? Bà về nên dì mới bất đắc dĩ dọn đi. Cũng tại bà...
Đau! Chị chỉ biết đau!
Chị mới về chừng nửa năm, chưa biết nhiều về việc bao năm nay họ đã sống cùng nhau như thế nào, đã diễn ra những gì để mà từ chồng đến con của chị đều chỉ coi chị là người đã xem vào gia đình họ. Không ai nói cho chị hiểu. Chị nhớ sau khi chị về mấy ngày, chồng chị bảo: Tôi với cô bây giờ là vợ chồng trên danh nghĩa, tôi không xen vào chuyện riêng của cô và tôi cũng cần cô tôn trọng chuyện của tôi với Hoa. Đừng làm cái gì quá đáng. Nếu cô thấy khổ sở, tôi có thể giải thoát cho cô để cô có hạnh phúc mới...
Lúc đó chị chỉ cảm thấy ngỡ ngàng, đến giờ chị mới như người tỉnh mộng nhận ra: Nơi này... đã là của người ta! Nhưng dù thế chị cũng nhất định không từ bỏ. Chồng con đều là của chị, dù có chết cũng phải ở lại cái nhà này.
Họ sống chung từ đó. Bốn con người với những thứ tình cảm khập khiễng, mặc lời qua tiếng lại của thiên hạ. Họ sống cuộc đời của họ.
Chị cứ lầm lũi và cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình, ngay cả khi chồng chị cũng có những khi ngủ lại với chị. Lạ là, người phụ nữ kia không vì thế mà ghen tuông. Cô ta lành hiền đến khó hiểu, ở đây cả tháng rồi nhưng cũng chẳng hề cố tình gây xích mích với chị, thậm chí còn thật thà như đúng nghĩa một người vợ lẽ có văn hóa. Thằng Kiệt mỗi lần ở nhà đều thân thiết với dì Hoa ra mặt. Chị lại xót xa. Con mình mà như con người!
Thấm thoắt vậy mà cũng qua được đôi tháng nữa, hôm đó chị ra tỉnh có việc và tình cờ gặp lại người phụ nữ mà khi còn ở bên Đài Loan cùng làm ô-sin cho nhà chủ gần nhau, nhưng cô ta về trước chị lâu rồi. Ngỡ tưởng mừng vui khôn xiết, chị lại tái mét mặt khi nghe cô ta hỏi:
- Lão Tình và em vẫn tốt chứ? Lão bao dung thật đấy!
- Gì hả chị?
- Em biết không, hồi chị mới về, có đận gặp lão với thằng con của em... Ừm... thằng bé tên là gì nhỉ? Đẹp trai đáo để!
Tiếng cô ta cười khanh khách, chị nghe bùng nhùng cả lỗ tai. Một cảm giác gì đó dâng lên như chặn ngang cổ họng...
- Lão ấy hỏi thăm tình hình của em, bảo là thương em cơ cực và bảo giá như em đừng phải vì chồng vì con mà chịu đựng cô đơn bên đó. Chị nghe xong cảm động thế nào em biết không?
- Vậy... vậy... - Giọng chị run rẩy, trước mắt bỗng trống rỗng.
- Em sao thế?
- Anh ấy... biết hết rồi sao?
- Biết gì hả Thủy?
- Chuyện... của em... bên đó...
- Chẳng giấu gì em, lão tinh thật. Chị cũng là chẳng có cách nào…
...
Chị đờ đẫn và đầm đìa nước mắt đứng trước cổng nhà. Chân chị tê liệt như bị ghim bởi mảnh thủy tinh nhọn sắc đang cứa vào gan bàn chân không thể bước tiếp. Tám năm, chị đã chôn giấu tám năm... cái bí mật nhơ nhớp và bẩn thỉu của chị. Ông trời có lẽ cũng ghét bỏ chị, xui khiến chồng của chị biết được câu chuyện nghiệt ngã mà chị đã chôn sống vào góc khuất cuộc đời mình. Đứa con riêng của chị ở bên đó có lẽ cũng hận chị, thằng Kiệt cũng hận chị, chồng của chị... hận chị không? Chị không bao giờ nghĩ sẽ phản bội chồng con, nhưng nơi đất khách quê người có những điều người ta đành cam chịu... Chị trót dại một lần quan hệ cùng ông chủ, cũng tại cái nhẹ dạ, lại thêm cơn khát của bản năng người phụ nữ khi đằng đẵng xa chồng, ngày đó chị còn sắc vóc nên đa đoan quẩn lấy. Sau cơn mê, chị tỉnh lại trong hoang mang dằn vặt. Cầm số tiền kiếm được từ ông chủ, chị tát mặt mình mấy cái nhưng vẫn cất đi. Chị nghĩ đến chồng con ở quê hương, thằng bé đang lớn dần, nó cần được chu cấp đủ đầy, tương lai chẳng thiếu thứ phải dùng tiền. Tiền có bao giờ là thừa thãi đâu! Nuốt cơn đau, chị cặm cụi công việc. Vợ của ông chủ từng bị tai nạn, liệt nửa người và phần lớn thời gian nằm trong phòng, chị chăm sóc bà chủ tận tụy lâu ngày cũng có cái tình thương xót. Nhìn hình ảnh người phụ nữ ấy xưa kia đẹp là thế mà giờ tiều tụy, u ám, chị cũng chẳng nỡ oán trách mỗi khi bị bà chủ mắng mỏ, khó chiều. Ông chủ khi ấy mới hơn bốn mươi, sung sức như hổ, ngấp nghé cơ thể chị xâm phạm cả vào giấc ngủ. Nhưng chị không có kế sinh tồn nào khác, kiếm được công việc ổn định nào có dễ, cái gì cũng phải trả giá. Với những đồng hương khác cũng làm ô-sin nơi xứ Đài này chị không biết họ sẽ giữ lấy tôn nghiêm của mình thế nào, tự trọng kiểu gì, còn chị… Thất bại rồi. Một lần chị câm lặng lại nối tiếp một lần... cho tới khi cái thai xuất hiện. Lăn lộn tủi nhục thế nào chị mới có thể vượt qua giai đoạn đó, ông chủ bắt chị phải sinh đứa bé chỉ vì nhà họ hiếm muộn con cái. Bà chủ lăng mạ chị, cào cấu chị chán rồi bỗng đờ đẫn buột miệng: Có con cũng tốt. Nó là con của tôi. Cô cứ sinh nó ra đi. Chị khuỵu xuống. Số phận của chị lật ngang lật dọc như thế qua được đến hôm nay... Dù trăm cay ngàn khổ chị vẫn lao động tới cùng chỉ vì nghĩ đến chồng con ở nhà, cho tới ngày trở về... Chị nhẫn tâm cắt đứt quan hệ với cả đứa con riêng. Trời phạt!
- Sao cô đứng ở đây? Vào nhà kẻo lạnh!
Chồng của chị vừa về tới cổng, giọng đủ nghe nhưng lại như tiếng sấm giáng vào tai làm chị hoảng loạn chực ngất xỉu. Bàn tay rắn chắc của người đàn ông đỡ lấy chị. Lúc này chị mới hiểu... Những tháng ngày qua giữa họ là một bí mật tày trời đã bị phơi bày trong bí mật. Thì ra... chồng con chị không sai, họ không sai... Chị co quắp thân thể được chồng dìu đi từng bước.
Từng tiếng rên ri rỉ như đang cố kiềm nén từ trong phòng dì Hoa có vẻ chật vật, dường như mơ hồ không rõ nghĩa nhưng người đàn ông vừa nghe thấy đã xây xẩm mặt mày. Chị thoáng nghe tiếng thằng Kiệt trong đó thảng thốt đầy kinh hoảng:
- Dì Hoa! Dì Hoa!
Chồng của chị thả chị ngồi xuống ghế, bước chân vội vã.
- Không đau! Không đau! Dì...
- Hoa!!!
Tiếng người đàn ông vút lên đầy sợ hãi. Chị cũng lao vào theo. Thằng Kiệt nước mắt lã chã đang đỡ dì Hoa run cầm cập và thống khổ.
- Gọi ta-xi! Gọi ta-xi!
Chồng của chị dồn dập vừa nói vừa dang tay về phía người phụ nữ đã rũ rượi sức.
Thằng Kiệt thấy bố đỡ dì Hoa, nó luống cuống lục túi tìm điện thoại nhưng không thấy. Chị chưa định hình được sự việc nhưng cũng mơ hồ biết lúc này cần đưa cho nó cái điện thoại...
***
Hai vợ chồng chị và thằng Kiệt đứng lặng trước ngôi mộ của dì Hoa. Trên di ảnh, người phụ nữ mỉm cười hiền hòa với đôi mắt dường như có hai giọt sương ẩn hiện. Họ đã trải qua những tháng năm như thế nào âu chỉ có người trong cuộc như họ mới hiểu. Hào Kiệt năm nay hai mươi bốn tuổi, trưởng thành lên thấy rõ. Nó nắm tay mẹ ruột, quay sang nhìn người đàn ông có mái tóc muối tiêu khe khẽ thở một tiếng như cố giấu đi tâm trạng mất mát.
- Dì đi đã mấy năm rồi, chúng ta vẫn phải sống tốt cho dì yên lòng...
Chị đỏ hoe khóe mắt, bàn tay chai sần thô ráp vì khắc khổ đang nằm trong bàn tay rộng dày của người con trai từng một thời không gần gũi với chị.
Người đàn ông xoa đầu con trai một cái, ánh mắt ấm áp hơn trước rất nhiều nhìn chị mà nói:
- Chúng ta về nhà thôi!
Về nhà... Chị không giấu được nụ cười mãn nguyện xen lẫn dòng nước mắt. Họ khẽ khàng chào dì Hoa rồi quay bước. Đầu xuân khơi lên tiếng gió lao xao, những tán cây xanh và cỏ hoa rung rinh hùa theo bước chân bình yên của họ. Chị thầm cảm ơn người phụ nữ mà chị từng tưởng rằng cô ta đã cướp đi của chị hết thảy. Sau cái ngày đưa dì Hoa đi cấp cứu lần đó, chị mới được biết sự thật. Khi chồng chị qua người khác mà biết chuyện của chị bên Đài liền sinh ra chán nản, bết bát đến độ đắc tội với cả đầu gấu của xã, bị chúng tẩn cho một trận thừa sống thiếu chết, may khi đó dì Hoa trông thấy hô hoán chúng mới buông tha. Gặp dì Hoa cũng coi như là duyên phận trong quãng đời đầy phiền muộn. Dì Hoa và chồng của chị qua lại với nhau được hơn hai năm thì dì Hoa có thai. Họ đã xác định sẽ sinh đứa con ấy và vô cùng mong đợi. Hào Kiệt ban đầu rất cay nghiệt với vợ hờ của bố, nhưng so với nỗi hận người mẹ đã có đứa con riêng bên Đài Loan thì có lẽ dì Hoa vẫn tốt hơn một chút. Và cái "tốt hơn một chút" ấy triệt để thay đổi vì một tai nạn kinh hoàng. Dì Hoa đã mất đứa con đang được sáu tháng ở trong bụng của mình bởi một lần thằng Kiệt sửng cồ với dì rồi bất cẩn suýt ngã cầu thang, chính dì đã kéo nó lại nhưng mất đà mà hứng chịu hậu quả nghiêm trọng: thai chết non, Cũng từ đó, dì Hoa không bao giờ mang thai được nữa. Người phụ nữ ấy đã khủng hoảng vật vã sau khi tỉnh lại, cũng từng muốn xé nát thằng Kiệt... nhưng vốn lành hiền thành tính, nỗi hận không thể tồn tại mà át đi vị tha và bao dung khi thấy thằng Kiệt quỳ xuống đầy sợ hãi, dằn vặt. Từ lúc bàn tay dì Hoa run rẩy chìa về phía nó, môi dì khẽ mấp máy gọi "Con ơi...", nó đã nhận định người này là mẹ của mình. Vụ tai nạn để lại di chứng, dì càng ngày càng yếu nên chồng con của chị đều không yên tâm để dì Hoa ở một mình. Dì Hoa cũng từng day dứt, phận người đàn bà thứ ba cướp đi tổ ấm của người phụ nữ khác khiến dì tự rủa mình không có liêm sỉ biết bao lần, nhưng dì thèm khát một mái nhà. Vốn dĩ lớn lên từ trại trẻ mồ côi, từng có một mối tình dang dở chỉ bởi dì nghèo hèn, dì lầm lũi sống cuộc đời của mình mà chẳng còn dám mơ về hạnh phúc. Đến khi người đàn ông tên Tình chập chờn trong tâm trí, dì cam nguyện trở thành con thiêu thân lao về ánh lửa duy nhất dì cảm nhận được. Dù không có gia cảnh và người thân ruột thịt nhưng trái tim dì lại rất ấm áp. Thằng Kiệt từ căm ghét quay sang thương dì, âu là sự bù đắp. Chính dì Hoa đã khuyên giải chồng con của chị đối diện với chị, thậm chí còn khuyên người đàn ông ấy vào phòng sinh hoạt vợ chồng với chị, dì nói: "Mỗi người đều có nỗi đau. Nếu cứ chăm chăm nhìn vào nỗi đau của mình thì sẽ không thấy được nỗi đau của người khác... Như thế làm sao biết cái gì gọi là tha thứ, khoan dung?". Chồng con của chị thì ra đã biết dì Hoa bị bệnh. Chỉ có chị là vô tâm, chung một nhà nhưng chưa từng đoái hoài đến sắc mặt mỗi ngày một nhợt nhạt đi của dì. Ngày đó, chị luôn thầm oán hận, đã có khi nguyền rủa dì Hoa biến mất.
Chị ngoái đầu thêm lần nữa nhìn về nơi nghĩa trang ấy... Tựa như có dì Hoa đang nhẹ cười.
Trời hôm nay trong xanh, dịu dàng như khi tình người tìm được cửa ra sau những chuỗi ngày bị nhốt kín trong tối tăm tuyệt vọng. Một gia đình vốn đã xẻ nghé tan đàn giờ đây lại đang thản nhiên đi bên nhau. Ba chiếc bóng mơ hồ trải dài in trên mặt đất nâu cũng trở nên quấn quýt gắn bó.
Họ về nhà! Về nhà...