“Cán đích” phủ kín quy hoạch
Kiến trúc - Ngày đăng : 10:34, 11/05/2022
Hoàn thiện "bức tranh" quy hoạch
Cuối tháng 3-2021, với quyết tâm tạo cơ sở pháp lý để tái thiết đô thị, đem lại sinh kế, nâng cao chất lượng sống cho người dân khu vực lõi Thủ đô, 6 đồ án quy hoạch phân khu nội đô lịch sử với tổng diện tích hơn 2.700ha tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, công bố. Đây là cơ sở để các quận triển khai lập quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị phục vụ kiểm soát phát triển, quản lý đô thị và xác định dự án đầu tư xây dựng.
Tháng 4-2022 ghi dấu mốc đặc biệt khi 2 “mảnh ghép” cuối cùng của quy hoạch phân khu đô thị là đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống đã hoàn thành và được phê duyệt. Sau nhiều năm mong mỏi, các cơ quan, đơn vị và nhân dân Thủ đô đã có khung cơ sở pháp lý để cải tạo chỉnh trang, tái thiết các khu dân cư hiện hữu được tồn tại, bảo vệ; bảo tồn các công trình di tích, kiến trúc có giá trị, kết hợp khai thác quỹ đất phát triển mới tạo lập diện mạo cảnh quan đô thị hai bên sông Hồng.
Ngoài những “mảnh ghép” mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng nêu trên, 4 tháng đầu năm 2022, thành phố cũng đã phê duyệt hàng loạt những quy hoạch chức năng đặc thù, “khó” và “vướng” từ nhiều năm qua, trong đó có những quy hoạch lần đầu tiên được ban hành như quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm; quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ; quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, kiến trúc tại khu vực các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
"Hà Nội đã hoàn thành khối lượng lớn các quy hoạch, phủ kín 100% đồ án quy hoạch chung, đồ án quy hoạch phân khu đô thị và đồ án quy hoạch chung xây dựng các huyện. Các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, chỉ giới đường đỏ, quy hoạch đặc thù được đồng bộ triển khai, hiện thực hóa một trong những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội. Điều này đã thể hiện quyết tâm rất lớn của thành phố trong hoàn thiện cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân theo hướng văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết.
Cơ hội tái thiết đô thị lịch sử
Là địa phương có 3 phân khu đô thị nội đô lịch sử được quy hoạch, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho hay, với quỹ đất lớn, quy hoạch xây dựng đô thị chưa hoàn chỉnh nên quận sẽ tập trung làm tốt quản lý đất đai và quản lý trật tự xây dựng tại khu vực này, cũng như khẩn trương triển khai các đồ án quy hoạch theo nguyên tắc bảo tồn tối đa giá trị mặt nước, cây xanh với mục đích phục vụ công cộng.
Đối với huyện đang trong quá trình phát triển thành quận như Thanh Trì, phân khu đô thị sông Hồng đi qua địa bàn huyện có diện tích khoảng hơn 1.135ha, với hơn 8.000 hộ dân sống ngoài đê chủ yếu thuộc các xã Yên Mỹ, Duyên Hà và Vạn Phúc. Đây là khu vực không phải di dời dân cư và được dành quỹ đất phát triển mới. Căn cứ vào quy hoạch được duyệt, huyện sẽ nghiên cứu đầu tư phát triển các tuyến đường giao thông, không gian xanh công cộng nhằm đáp ứng các tiêu chí xã lên phường, huyện lên quận mà huyện còn đang thiếu.
“Đây mới chỉ là quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, sau đó còn các quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị... cụ thể hóa chức năng, vị trí, địa điểm để mời gọi đầu tư, sử dụng hợp lý quỹ đất, tạo nguồn lực phát triển bền vững", Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng nêu vấn đề. Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Cường, Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), thời gian tới, Hà Nội cần tổ chức bộ máy triển khai, bố trí nguồn lực thực hiện quy hoạch với lộ trình cụ thể. Ngoài ra, do tính phức tạp cũng như mật độ dân số, mật độ xây dựng của Hà Nội rất cao nên có nhiều quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, nhiều dự án với loại hình tính chất khác nhau đã và đang liên tục được đầu tư phát triển. Vì vậy, quản lý trật tự xây dựng và quản lý dự án phát triển đô thị ở Hà Nội còn nhiều bất cập, đòi hỏi thành phố cần tiếp tục có những điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.
Xác định vai trò đặc biệt quan trọng, là định hướng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội, công tác quy hoạch luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố quan tâm chỉ đạo để “đi trước một bước”. So với thời hạn Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội đặt ra, các chỉ tiêu quy hoạch đã “cán đích” sớm. Kết quả bước đầu này đã tạo cơ sở quan trọng để nâng cao vị thế, phát triển Thủ đô, đồng thời tạo niềm tin cho người dân về cuộc sống chất lượng, cho dù từ quy hoạch đến thực tiễn phát triển luôn có nhiều khó khăn, thách thức.