Hà Nội “loạn” số nhà - Ai lo?
Chuyển động Hà Nội - Ngày đăng : 09:04, 19/05/2022
Đánh số, gắn biển số nhà tùy tiện
Theo khảo sát thực tế của phóng viên Báo Hànộimới ngày 16-5 tại các tuyến đường, phố trên địa bàn quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai…, tình trạng lẫn lộn biển số nhà đã giảm thiểu. Tuy nhiên, việc nhảy cóc số nhà, trùng số nhà vẫn xuất hiện ở một số nơi. Chẳng hạn, bên dãy lẻ tuyến đường Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) đang từ số nhà 15 đã đến số 51. Hoặc tại đầu đường Đặng Thùy Trâm (quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm), hai nhà cạnh nhau nhưng lại mang số 8 và số 73, bên cạnh số nhà 26 là một cửa hàng được đánh số 85 khiến người tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.
Tại đường Hàm Nghi (quận Nam Từ Liêm), cạnh số nhà ghi ki ốt số 1 ngã tư Hàm Nghi là số 2, cửa hàng tiếp đó lại là số 6. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại phố Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm). Trên địa bàn quận Hoàng Mai, một số tuyến phố trước đây là ngõ, mới đặt tên như Đông Thiên, Tân Khai, Hưng Phúc… cũng lộn xộn biển số nhà do người dân tự ý đánh số. Hoặc tại đường Vành đai 3 (đoạn từ đường Giải Phóng đến cầu Thanh Trì) do chưa được đặt tên phố, chưa được gắn biển số nhà nên người dân tự ý, mạnh ai nấy làm biển hiệu, số nhà.
Việc các biển số không nhất quán màu sắc, kích thước hoặc bất nhất con số cũng khá phổ biến. Điển hình là tại ngõ 10 phố Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy), một ngôi nhà có tới hai địa chỉ. Nhà gắn biển số 8 nhưng trên biển hiệu của cửa hàng lại ghi số 6, ngõ 10 Nguyễn Văn Huyên. Cửa hàng spa bên cạnh lại được ghi địa chỉ B22 ngõ 57 Nguyễn Khánh Toàn.
Tình trạng mất biển số nhà hoặc biển số bị mờ cũng khá phổ biến. Đơn cử, tại đường La Thành (quận Đống Đa), các cửa hàng bán kim khí, gỗ bày biển hiệu san sát nhau nên rất khó nhìn thấy biển số nhà.
Tăng cường quản lý
Chỉ ra bất cập, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) Tống Xuân Duy cho biết, nhiều lần phường tháo dỡ biển số nhà không đúng quy định nhưng sau đó người dân cố tình lắp lại. Vì không có chế tài xử lý nên phường chỉ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở trên loa truyền thanh.
Còn theo Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) Hoàng Hoài Loan, có trường hợp một số hộ dân chia tách, chuyển nhượng nhà đất, cho thuê hoặc không cư trú thường xuyên tại địa phương, dẫn đến khó khăn trong công tác cập nhật, gắn bổ sung biển số cũng như quản lý biển số nhà tại các hộ gia đình. “Phường đã yêu cầu các tổ trưởng tổ dân phố giám sát, vận động người dân không làm biển số nhà khác thay thế hoặc nếu bị hư hỏng, mất biển số thì làm đơn xin cấp lại gửi UBND phường thống kê, trình UBND quận cấp biển”, bà Hoàng Hoài Loan nói.
Về vấn đề này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Đống Đa Vũ Xuân Tiến khẳng định, UBND quận thường xuyên yêu cầu các phường rà soát trường hợp mất biển, biển mờ, hư hỏng, tổng hợp báo cáo quận để có kế hoạch thay thế hằng năm. “Quan điểm của quận là không để phát sinh tình trạng lộn xộn số nhà, cũng như để biển số nhà cũ nát. Thời gian tới, quận tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan giám sát chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa tình trạng này”, ông Vũ Xuân Tiến chia sẻ.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh, trên địa bàn quận có một số tuyến đường, phố mới đặt tên nên chưa được gắn biển số, cấp giấy chứng nhận biển số nhà. Do vậy, UBND các phường đang rà soát lại địa chỉ, nguồn gốc đất, hiện trạng, chủ sử dụng đất… để tổng hợp đề xuất UBND quận cấp giấy chứng nhận và đánh gắn biển số nhà theo quy định.
Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội) Trần Ngọc Minh thông tin, UBND thành phố đã phân cấp UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác đánh số, gắn biển số nhà theo địa bàn quản lý. Trước đây, khi mới thực hiện phân cấp, Sở Xây dựng nhận được khá nhiều văn bản của UBND cấp huyện đề nghị hướng dẫn, gỡ vướng việc này. Trong quá trình thực hiện thời gian tới, nếu phát sinh vướng mắc, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục hướng dẫn các địa phương nhằm giải quyết bất cập, tạo thuận lợi cho người dân.
Để chấm dứt tình trạng lộn xộn trong việc gắn biển số nhà, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân. Qua đó, góp phần chỉnh trang đô thị, tạo thuận lợi cho tổ chức, công dân trong các hoạt động liên quan.