Nghệ thuật: lựa chọn, loại bỏ, dối trá và sự thật
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:06, 26/05/2022
Như thế, phải chăng từ sự lựa chọn dối trá, con người đang từng bước trở thành kẻ dối trá. Ngôn ngữ không bao giờ thể hiện triệt để thế giới của chúng ta. Vì thế, những gì chúng ta đọc, nghe, viết, biểu đạt chỉ là một phần nhỏ bé, thậm chí là sự xuyên tạc. Trưởng thành là một sự dối trá. Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau cũng là một sự dối trá. Nguyên lí lựa chọn của R.Jakobson (khi bàn về chức năng thi ca) thực sự là một sự dối trá khi chúng ta nhìn vào cách mà một nhà thơ, nhà văn lựa chọn từ ngữ khi sáng tạo. Về bản chất, thế giới tồn tại bằng ngôn ngữ, thông qua ngôn ngữ - hiểu như một hệ thống kí hiệu. Nhưng, ngôn ngữ luôn có xu hướng bị xuyên tạc, bị phản bội bởi chính cơ chế lựa chọn, loại bỏ của người biểu đạt cũng như người tiếp nhận, giải mã các kí hiệu. L.Wittgenstein nói rằng, giới hạn của ngôn ngữ của tôi là giới hạn của thế giới của tôi. Rõ ràng, ngôn ngữ của tôi luôn giới hạn, ngay với chính việc biểu đạt tôi. Ta có thể nói rằng, ngôn ngữ của tôi không biểu đạt tôi đầy đủ. Câu chuyện về sự bất lực của ngôn ngữ, lời nói không đủ để diễn đạt điều mình nghĩ, mình cảm thấy hoặc các trạng thái tâm lí, tư tưởng, tình cảm… chẳng phải xa lạ gì với những người biết và hiểu mình tồn tại bằng ngôn ngữ. Ngôn ngữ phản bội chúng ta, đánh lừa mọi người bởi sự ngụy trang và tráo trở của nó. Câu chuyện này sẽ được nhìn nhận một cách đầy thấm thía trong các hoạt động giao tiếp xã hội, tranh (cãi) luận khoa học hoặc cụ thể là quá trình biên tập các tác phẩm văn học nghệ thuật. Vì một lí do nào đó, người ta cần phải biên tập. Tuy nhiên, việc lựa chọn hay loại bỏ đôi khi không nhằm hướng đến giá trị tối cao là nghệ thuật. Một sản phẩn được gọt giũa cho thật an toàn, vô hại, có thể đồng nghĩa với sự vô giá trị.
Sự lựa chọn bao giờ cũng được xây dựng dựa trên phần lớn ý thức. Mà ý thức lại là kẻ nông cạn, hẹp hòi và ích kỉ nếu đặt vào thế giới tinh thần của con người hoặc sự bao la của vũ trụ, sự thâm sâu uyên áo của các không gian, chiều kích siêu hình. Thế nên, bản thân lựa chọn là một hành vi chứa đựng giới hạn, thậm chí là lầm lẫn (một cách cố ý, vụ lợi). Đối với việc làm thơ, những thói quen, quán tính về mặt thi pháp cùng định kiến về đặc trưng loại hình (thơ phải giàu cảm xúc, cô đọng, có nhịp điệu, nhạc tính…) đã tạo nên cơ hội cho sự lừa dối, ngụy trang hoặc phản bội. Lẽ thường, cơ chế lựa chọn đẩy nhà thơ vào các quy chiếu thể loại, khiến anh ta phải cân nhắc chữ nghĩa của mình. Và thế là, đúng, trúng, hay, giàu nhạc tính, gợi cảm… là những phẩm tính của một từ - ngữ được chọn để kết hợp vào dòng, câu, văn bản thơ. Những từ không được lựa chọn đã bị khai tử. Ở đây, những ngôn từ được chọn và những ngôn từ bị loại bỏ phản ánh rất rõ trạng thái: cái gì được hiện diện hợp pháp, hợp thức của xã hội con người; cái gì không hợp pháp, không hợp thức; cái gì là chân lí (tưởng tượng) trong cảm quan của cộng đồng ảo tưởng về quyền lực của lời (thời gian gần đây đã xuất hiện những văn bản văn học mà dấu vết của sự loại bỏ được giữ lại như là “vi bằng” của tư duy nghệ thuật). Bất giác, tôi nghĩ đến những người điên. Chúng ta trưng ra một mẫu hình hợp thức, chuẩn định dựa trên những quy chiếu thuộc về luân lí, đạo đức, pháp luật, chân lí, quyền lực… để thiết lập trật tự, nhưng rõ ràng, đó không phải là toàn bộ thực tại, hoặc nó là một hình ảnh được tạo dựng nhằm các mục đích văn hóa, chính trị và lịch sử. Trong hình dáng người điên, ta có nhận ra sự nhàu nhĩ của thân phận bị đày đọa? Trong hình dáng người điên ta có nhận ra sự sống con người? Trong ánh mắt người điên có vẻ gì hoang dại, ngơ ngác, đau đớn hay vằn lên uất ức khi nhìn vào cuộc đời? Người điên là ai? Đó là kẻ không bình thường trong mắt những người được cho là bình thường. Vậy, nếu người điên cũng cho rằng đám đông đang ngạo mạn về sự bình thường của mình ấy là một lũ điên thì sao? Ở đây, chúng ta trở lại với truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam. Sự lựa chọn đã đẩy hầu hết người dân của phố huyện nghèo ra tiền cảnh của ga xép. Họ lựa chọn tình thế ấy trong những hi vọng về ánh sáng làm thay đổi sự tăm tối, tù đọng, buồn bã của phố huyện nghèo. Từ cái nhìn được cho là bình thường, chẳng ai trong họ điên cả. Chỉ có bà cụ Thi là điên. Nhưng, cái cười hiền lành xoa đầu Liên, ngửa cổ uống một hơi hết cút rượu và đi về phía làng, khước từ ánh sáng văn minh mà đoàn tầu đang rầm rộ mang tới có thể lại phản ánh một lựa chọn khác. Lựa chọn ấy là sự từ bỏ, kháng cự lại sức mạnh tha hóa, đồng hóa của phương Tây. Không nhiều dữ kiện cho phép điều xác quyết này hiện diện ở Thạch Lam trong tác phẩm Hai đứa trẻ. Nhưng, mở rộng ra, đặt cụ Thi điên vào không gian truyện ngắn Thạch Lam với Đói, Dưới bóng hoàng lan, Một người bạn, Hà Nội ban đêm,… ta nhận ra mầm mống của sự kháng cự không phải không có trong tư tưởng Thạch Lam.
Cá tính nghệ thuật rất cần thái độ là chính mình của người nghệ sĩ. Làm sao để trở thành chính mình? Làm sao để diễn đạt được bản thân mình một cách đầy đủ nhất? Cơ hội để là chính mình, rốt cuộc chỉ có thể bấu víu vào sự hoài nghi. Bởi thế, trước một hiện diện, một biểu đạt nào đó, hoài nghi phải luôn được xem như một cơ chế tâm lí thường trực trước các khả năng bị đánh lừa, bị lôi kéo, dụ dỗ và thỏa hiệp. Dân gian nói rằng: Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài; Lời nói chẳng mất tiền mua/ Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Trong đức tính hoài nghi cẩn trọng, những châm ngôn ấy mang đầy kinh nghiệm của cư dân nông nghiệp, vốn đề cao tinh thần cộng đồng, tập thể, lấy tập thể làm thước đo chuẩn mực. Chúng ta không bao giờ có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Khi làm vừa lòng tất cả, nghĩa là chúng ta lựa chọn sự thỏa hiệp ở mức độ rất cao, nó gần như hoặc chính là một sự dối trá. Ban đầu, có thể bản thân ta thấy khó chịu vì thỏa hiệp, nhưng lâu dần, sự dối trá thành quen, thành nếp, nhất là khi nó được cộng đồng cổ súy bởi quan niệm lựa lời, thế nên dối trá đã thành “sự thật”. Còn sự thật “thật sự” lại bị hoài nghi, bị chất vấn hoặc kết án là dối trá và loại bỏ. Để là chính mình, cần một thái độ nghiêm túc, và quan trọng hơn, cần sự can đảm, thậm chí là đánh đổi bằng cái chết. Lựa chọn cái chết đôi khi là lựa chọn huy hoàng, quyết liệt nhất. Với thơ ca và nghệ thuật cũng vậy. Sẽ chẳng có một giá trị nghệ thuật, mĩ học nào được xây dựng từ sự dối trá, từ sự không thành thật với bản thân. Nghệ sĩ sáng tạo trước hết phải thành thật với chính cảm xúc của mình. Không thiếu trường hợp chúng ta đọc một bài thơ, một tản văn mà cảm xúc rất ít ỏi, suy tư nông cạn, nhưng tác giả cố tãi ra, kéo dài, đắp điếm lời lẽ vào cho nó. Thành ra, cảm xúc bị loãng, lan man hay lê thê mỏi mệt. Nó không phải là một khoảnh khắc tựu thành trong trí tưởng, huy động đầy đủ nội lực của ngôn từ, hình ảnh, hiện ra trong nhịp điệu của cảm xúc. Mặt khác, dường như người viết luôn ám ảnh, lo sợ bị đánh giá là giản đơn, nông cạn, thành ra phải cố lựa chọn những từ ngữ, cách diễn đạt tối tăm, bí hiểm, rắc rối để trưng ra một chiếc mặt nạ đầy “nguy hiểm”, “không phải dạng vừa đâu”. Lựa chọn ấy không chỉ đánh lừa người đọc mà trước hết là tự đánh lừa mình.
Điều được nói ra, không hẳn là quan trọng nhất. Chẳng phải thế sao, khi trong thâm tâm ta biết rằng, có những thứ “Sống để dạ, chết mang đi”. Đó mới là câu chuyện quan trọng nhất. Với nhà văn, tác phẩm lớn nhất vẫn chưa được viết ra là thế. Trở lại với câu trả lời của nhà điêu khắc, muốn tạc một con voi chỉ cần đục bỏ đi những gì không phải là con voi. Ở đây, con voi là đối tượng, hình ảnh muốn được trưng ra. Như thế, tảng đá đã được định hình thành voi, người ta chỉ thấy voi, voi đá… mà quên mất bản chất thực sự là đá. Lựa chọn đã dẫn dắt, định hướng cái nhìn và suy nghĩ của người xem. Điều đó đồng nghĩa với việc con người bị che mắt bởi các tạo dựng thực tại, bị giới hạn bởi các hình ảnh được lựa chọn. Từ đá, người ta có thể tạo thành voi, thành Phật, thành cái gì tùy ý. Nhưng, những gì bị đục bỏ, chẳng cần phải thuyết minh gì nhiều, đã nói lên một cách trực tiếp bản chất nguyên sơ của tồn tại. Từ cái nhìn rơi rụng này, kết hợp với những điều được phép trông thấy, chúng ta mới nhận ra đầy đủ nhất quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ. Sâu xa, đó là cơ hội chúng ta để nhìn gần, nhìn rõ hơn vào cuộc đời này.