Toàn quận Ba Đình hiện có 74 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và di tích cách mạng kháng chiến, trong đó có 52 di tích lịch sử văn hóa, 3 di tích cách mạng kháng chiến, 17 địa điểm gắn biển lưu niệm sự kiện, 1 di tích lịch sử quốc gia đặc biệt và 1 Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long. Trong số 70 di tích, UBND quận quản lý 5 di tích, UBND 14 phường quản lý 65 di tích.
Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Phạm Thị Diễm cho biết, UBND quận nhìn nhận, với tiềm năng, thế mạnh về di tích lịch sử văn hóa, lĩnh vực đầu tàu của ngành công nghiệp văn hóa được xác định là du lịch văn hóa. Nhận thức được vấn đề này, quận Ba Đình đã tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích để qua đó phát triển du lịch văn hóa.
Đến nay, 4 di tích đã hoàn thành việc tu bổ; 18 di tích đang trong giai đoạn đầu tư tu bổ, với số tiền hơn 200 tỷ đồng, trong đó, xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quận cũng phát huy giá trị phi vật thể thông qua tổ chức lễ hội tại các di tích nhằm góp phần làm cho các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng được khôi phục và phát triển đúng hướng. Tuy nhiên, thời gian qua, do dịch Covid-19 nên các di tích đóng cửa tạm dừng đón khách, chưa phát huy hiệu quả giá trị các di tích để phát triển du lịch văn hóa.
Vừa qua, được sự cho phép của thành phố, quận đã mở cửa hoạt động trở lại đối với các di tích trên địa bàn. Bà Đỗ Thị Kim Dung, đại diện Ban Quản lý đền Thủy Trung Tiên cho biết, du khách đến tham quan luôn nghiêm túc thực hiện các quy định phòng dịch.
Gắn phát triển du lịch văn hóa với bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Ba Đình Lê Thị Khanh cho biết, quận đã triển khai kế hoạch xây dựng website du lịch quận Ba Đình. Sau một thời gian thực hiện, website du lịch quận Ba Đình cơ bản đã hoàn thiện về nội dung và nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, quận cũng triển khai đề án số hóa thông tin của các di tích lịch sử đã được xếp hạng. Trong đó, quận đã biên soạn tin bài, hình ảnh, đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của quận; thực hiện cấp mã và tổ chức lắp đặt các điểm quét mã QR tại các di tích đã được chọn lựa.
Là địa bàn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, đặc biệt là 2 trong “Tứ trấn Thăng Long” là đền Voi Phục, đền Quán Thánh, theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Quán Thánh Võ Hồng Vinh, để bảo đảm phát triển du lịch văn hóa lành mạnh, đúng định hướng, UBND phường đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch. Qua đó, tạo hình ảnh thân thiện, an toàn đối với du khách, góp phần quảng bá các điểm đến trên địa bàn quận.
Đón đầu xu hướng mở cửa du lịch trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình Cồ Như Dũng thông tin, quận đang triển khai xây dựng các tuyến du lịch kết nối với quận lân cận, phối hợp quảng bá rộng rãi sản phẩm du lịch văn hóa tại các sự kiện du lịch trong và ngoài nước. Đồng thời, tiếp tục tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền trong việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, lễ hội; quản lý chặt chẽ và duy trì tốt hoạt động lễ hội truyền thống, bảo đảm các lễ hội được tổ chức đúng quy chế.