Từ độ mùa xuân cắm cây mạ xuống ruộng đã phải trông giời. Trống thúc hội xuân, sản vật dâng lên đức thành hoàng làng cùng lời khấn nguyện đầu tiên bao giờ cũng xin “mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt’’. Phải no bụng mới yên ấm, con trẻ mới được đi học, người lớn mới dám nghĩ việc lớn nhỏ, xa gần. Người tính cho khoảnh ruộng nhà mình, thánh ban phúc lộc cho người thành tâm, giời đất nhận lời ước nguyện của muôn dân, mùa chín thơm như mong chờ.
Lúa ngả vàng thơm như con gái. Lúa chín vạt cấy đợt đầu, rạ cắt sát chân soàn soạt, lượm lúa quay tròn phần bông nặng trĩu. Mùa gặt, đồng thơm, lúa gánh về đến sân nhà vẫn đượm hương. Nhà mình thơm, nhà hàng xóm cũng thơm, suốt ngõ trong ngõ ngoài thơm mùi rơm rạ, khi tươi nguyên hay lúc được nắng.
Lúa thơm ngát đồng, mới lác đác người gặt mà ai cũng nghĩ đến cơm mới. Lúa từ đồng về làng, tuốt phơi, xay giã tầm 3 - 4 ngày nắng là đã có gạo mới. Gớm thứ gạo nhiều “dựa” bén nồi nấu cứ phải ghế luôn tay. Nhà có cơm gạo mới một năm đôi lần mà mùa nào cũng háo hức. Cơm gạo mới ăn với tép kho khô, canh cua nấu rau tập tàng, điểm đôi quả mướp hương nhỏ như cái chuôi dao, lại cà muối xổi nữa thật chẳng gì bằng. Lạ, cái giống mướp hương nhỏ quả mà thơm hệt như mùi nếp, chửa nghĩ ra, thấy nhà mình phơi thóc tẻ mà mùi thơm rõ khác, bê nồi canh lên mới thấy đúng chỉ có mùi mướp hương mới thơm như thế.
Mùa gặt, việc đồng việc nhà bấn suốt cả vụ. Những ngày đầu đợi lúa chín già thì nhẩn nha gặt đôi khoảnh chứ khi lúa chín cả đồng thì dậy từ 4h sáng mà lo việc. Cơm nắm từ tối hôm qua, chè đậu đen nấu cũng vừa nguội, túi dưa chuột, dưa lê cũng phải sắp sẵn. Sớm dậy, giời đất còn giăng sao là mang cả ra đồng, người trong làng đều thế cả. Cánh đồng mát rượi, hương lúa sớm mai cũng khác, thơm mát tinh khôi. Tiếng mời nhau nếm thử bát chè đỗ đen vụ mới hay bát chè xanh hãm khéo rõ vui. Đến khi lúa chất lên xe hay có người quây bạt tuốt vãn đống lúa thì nắng mới lấp lánh. Tầm mặt trời đứng bóng thì đồng đã vắng người, chỉ còn mênh mông những ngọn gió thơm.
Gặt ngày nắng có vất vả hơn, nhưng lúa tuốt xong như thể đã được phơi một nắng. Lúa đóng bao, trên lưng người qua những bờ thửa nhỏ lên xe chở về nhà. Bao lúa chắc nịch, nặng vai, đôi miếng mụn vá bao rõ khéo, thóc đã đóng bao chẳng rơi đi đâu một hạt.
Người làng này, người làng bên mải miết đưa tấm thảm thơm trĩu hạt ấy về làng. Bao công nữa mới thành đống thóc, đống rơm riêng rẽ. Thóc phơi trước, chỗ sân sạch, rơm phơi sau chỗ con đường hay vệ cỏ. Thảm thóc, thảm rơm từng mảng trải khắp làng. Sân nhà, sân chùa cho đến những con đường ít người qua lại đều trải vàng thóc. Sân nóng, thóc phơi như rang, đi thóc cũng mệt, nhưng mà vui. Có những hôm nắng héo lá trong vườn, đến ngọn mướp cũng héo vì nắng, khăn áo người từ đồng về sũng mồ hôi. Má chị, má mẹ đỏ bừng, cánh tay bố bắt nắng trở nên nâu thẫm. Có những bữa nồi cơm thợ gặt không vơi đi là mấy, chỉ bát cà muối và nồi canh sấu chua là hết.
Tiếng ve ran khắp làng. Trẻ con vào mùa cũng mệt lử, buổi trưa ngủ lăn lóc không thì kéo nhau ra sân đình hóng ve hay nói chuyện inh ỏi. Đâu đấy có ngọn gió thơm từ đầm sen đưa về, hương sen lẫn vào hương lúa. Tuần trăng thơm nồng hoa cau vừa trổ, bên hiên nhà mấy người hàng xóm bàn chuyện xây nhà chuẩn bị cho con ra ở riêng, có người cứ nói đi nói lại mỗi một câu mà lần nào cũng thấy có niềm vui trong đó: “Được mùa, trả hết nợ nhẹ cả người!”.
Ngôi nhà đủ chỗ cất giữ những mùa thơm, hay là chủ nhân xếp khéo mà những đến, những đi hay trở lại của mùa đều ăm ắp. Mùa thơm vẹn nguyên như thể chưa hề tan trong giăng gió, nắng mưa...