Lão Gàn

HNMCT| 19/03/2022 14:42

Gàn là tên người ta đặt cho lão. Chứ tên cha sinh mẹ đẻ của lão là Vàng, Lù A Vàng. Chắc lúc đặt tên cho đứa con trai cả, bố mẹ đã mong cho lão được giàu sang, sung sướng cả đời. Đó là điều bố mẹ nào cũng ước ao, mong mỏi, nhưng cuộc đời thường éo le, đôi khi trái ngược, vượt mọi suy nghĩ tầm thường của con người. Lão sinh ra, lớn lên ở cùng một nơi với tôi, tính theo họ hàng xa thì tôi phải gọi lão bằng anh.

Lão Gàn
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Thời niên thiếu, Vàng là gã trai trầm tính, hiền lành và dễ bị bắt nạt. Tôi thường đứng ra bênh vực gã bằng cách giơ nắm đấm và gườm gườm nhìn những kẻ trêu chọc gã. Cũng may vì bố tôi là công an xã nên chúng không dám động đến, chứ ngoài môn võ cào cào ra thì tôi còn tong teo hơn cả Vàng. Vàng đi học trên tỉnh, trở về gã như một con người khác, hoạt bát và rất mạnh bạo. Gã đi làm cán bộ xã. Tôi đi học và làm nghề gõ đầu trẻ mấy năm trên biên giới. Thi thoảng trong những lần trở về tôi mới gặp Vàng một cách chóng vánh bên mâm rượu Tết.

Vàng lúc này đã trở nên to béo, lời nói nghe như sấm bên tai, ra dáng một anh cán bộ nói được, làm được. Đường quan lộ của Vàng như diều gặp gió, chả mấy chốc đã lên chức phó chủ tịch xã. Tôi cứ nghĩ như vậy là đã êm xuôi với thằng anh họ. Tôi đã yên tâm về Vàng. Tôi còn thường kể về gã với những đồng nghiệp thân thiết của mình với sự trịnh trọng, nể phục thực sự. Vàng lấy một cô vợ xinh đẹp ở cùng bản và sinh ba người con, hai gái một trai. Hai đứa con gái học hết lớp năm thì nghỉ. Vàng bảo con gái sau cũng lấy chồng nhà người, học làm gì nhiều. Câu nói của gã làm tôi sửng sốt. Sau đó thì tôi thấy bực tức vì cái lối suy nghĩ cổ hủ của gã. Tôi hết lời khuyên bảo Vàng cho con đi học lại nhưng vô ích.

Kể từ ấy tôi giận Vàng. Sau đó tôi lấy vợ và chuyển tới nơi ở mới, cũng là nơi vợ chồng tôi công tác. Cuộc sống quay như chong chóng, bẵng đi một thời gian dài tôi không gặp Vàng. Nhưng câu chuyện về gã thì luôn có cách để những người thân chuyển đến cho tôi trong những dịp cuối năm, bên mâm cơm đoàn tụ gia đình. Câu chuyện về gã lần nào cũng không phải chuyện vui, nó khiến người nghe sửng sốt và khó hiểu nhiều hơn. Ví như, đang dưng thì Vàng nghỉ làm, chỉ bởi sau một cuộc họp tổng kết ai đó nói động chạm tới lòng tự ái của gã. Nhưng tất cả cũng chưa đủ để khiến người ta thay cái tên Vàng đẹp đẽ sang cái tên Gàn như một kẻ ẩm ương, dở hơi. Đang yên đang lành, gã bán nhà cửa, ruộng vườn để đến một nơi cách xa vài trăm cây số, một nơi khỉ ho cò gáy, chó ăn đá gà ăn sỏi. Vàng bảo, ở quê thuế đất cao quá, làm ăn không ra, gã phải tìm về nơi đất mới để khai phá làm giàu.

Hai đứa con gái của Vàng bỏ sang bên kia biên giới lấy chồng, nghe đâu cũng không mấy khi trở về thăm bố mẹ. Được đứa con trai vớt vát lại, có công việc ổn định, khuyên bố không được, nó mặc kệ lão muốn làm gì thì làm, nó ở lại giữ đất của tổ tiên chứ nhất quyết không đi theo bố. Chỉ có hai vợ chồng lão gói ghém ra đi. Cũng kể từ ấy, tôi không nghe tin tức gì về lão.

***

Tôi nghỉ hưu và trở về quê cũ sinh sống. Một buổi sáng mùa đông, trời âm u, không mưa nhưng rét kinh người. Tôi dậy thật sớm, pha cốc trà gừng uống cho nóng người. Tôi đứng trước sân nhà ngắm nghía mấy nàng hồng đang e ấp trong gió lạnh. Những giọt sương long lanh đậu trên cánh càng tôn thêm nét đẹp hấp dẫn của loài hoa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của tình yêu. Vợ tôi thấy thế lại lầm bầm và bắt tôi đi vào trong nhà. Tuổi già nó thế đấy, nhiều khi đến cơ thể còn không nghe lời mình, lạnh quá cũng mất ngủ, nóng quá cũng mất ngủ. Nửa đêm không ai đánh động cũng tỉnh giấc, nghe tiếng lá rơi cũng thấy buồn một nỗi gì không rõ nghĩa. Có lẽ càng về già người ta càng lẩm cẩm và thích sống trong hoài niệm.

Tôi đang trầm ngâm nghĩ ngợi thì nghe thấy tiếng gọi giật lên từ ngoài cổng. Là con trai lão Vàng. Nó vừa nói vừa khóc, mãi mới nên lời. Mẹ nó, tức vợ lão Vàng vừa chết. Nó muốn tôi đi cùng họ hàng nhà nó lên viếng đám ma, rồi khuyên bố nó trở về. Tôi vào trong nhà gấp vài bộ quần áo ấn vội vào ba lô, dặn vợ vài câu rồi tấp tểnh đi theo thằng cháu. Đường đi xa thật là xa, dốc lên dốc xuống quanh co, toàn ổ voi ổ gà, nếu không phải cậu thanh niên chở tôi có tay lái cứng thì tôi cũng đến xin dừng lại giữa đường.

Nhà lão Vàng ở cuối bản, một căn nhà sàn cũ kỹ, xập xệ. Tối đầu tiên ở nhà lão, tôi không dám ngủ. Cảm tưởng như dưới sức nặng của mấy người chúng tôi, căn nhà có thể sập bất cứ lúc nào. Đám ma vẫn diễn ra theo phương thức truyền thống, sau hai ngày thì đem đi chôn. Lão Vàng khóc đỏ hết cả mắt, khuôn mặt già nua sạm đen rúm ró đến tội nghiệp. Tôi nhìn dáng vẻ khổ sở của lão mà không cầm lòng được. Dù có gàn dở tới đâu nhưng lão là người sống có tình nghĩa với vợ của mình. Tôi dám chắc, về điều này thì nhiều người thua lão.

Người trong bản này cũng không thiếu những hành động lạ kỳ làm tôi phải để ý. Họ đến đám ma tầm hơn mười phút, ăn uống qua loa rồi gói ghém đồ mang về. Cả tối, ngoại trừ vài cán bộ đến nhắc nhở công tác phòng dịch thì người trong bản tịnh không một ai ở lại động viên, an ủi nỗi đau của khổ chủ. Tôi không dám hỏi lão Vàng về sự khó hiểu ấy. Tôi nghe loáng thoáng những người thân của lão xì xầm với nhau, rằng người ta ghét vợ chồng lão, căn nguyên là do đứa cháu ngoại của con gái với người chồng trước gửi về cho vợ chồng lão Vàng nuôi hộ. Nó đã quậy phá ngang ngược, hay trộm cắp vặt, người ta thù nó rồi người ta ghét lây cả vợ chồng lão Vàng vì không dạy nổi cháu.

Thằng cháu ngoại ngồi bên cạnh lão Vàng. Tóc nó nhuộm màu rêu, khuôn mặt có nhiều nét rất dữ, một bên tai nó đeo tới mấy cái khuyên inox càng tôn thêm vẻ bất cần đời. Người nó gầy nhom trốn trong bộ quần áo rộng thùng thình, cái môi thâm xì, trông không khác gì một thằng nghiện nặng. Bà ngoại chết mà mặt nó lạnh tanh, dường như chả kịp rơi một giọt nước mắt tiếc thương nào. Trông nó, tôi lại ngao ngán thay cho lão Vàng.

***

Công việc xong xuôi, tôi ở lại thêm một ngày để xem có khuyên được lão già cứng đầu ấy trở về nhà cho thằng con trai độc nhất, theo như ý nó, có cơ hội phụng dưỡng lúc tuổi già bóng xế hay không? Tôi tỉ tê, gợi cho lão những kỷ niệm lúc chúng tôi còn bé, để lão vơi bớt nỗi đau thương. Rồi lão kể cho tôi nghe những nỗi đau trong cuộc đời của mình, cả những quyết định sai lầm khiến lão phải trả giá bằng sự khổ sở của người thân yêu nhất. Hóa ra, lão đã biết mình sai từ lâu, lão biết mình thất bại nhưng lão cao ngạo với sự tự ái của mình mà không dám trở về quê hương bản xứ. Lão đúng là kẻ ngang ngạnh, gàn dở hết sức.

Dù rất bực nhưng tôi cũng cố lựa lời khuyên. Bây giờ biết như thế rồi thì về với con với cháu, cho bố con được ở gần nhau, sau này các cháu không phải ân hận mà mình cũng đỡ buồn. Lão Vàng nghe tôi nói thì im lặng một lúc lâu, mắt lão nhìn xa tận đâu đâu. Tôi uống mấy ngụm trà, chờ xem quyết định của lão. Cuối cùng lão Vàng nói với tôi, nguyên văn thế này:

- Tôi về thì cũng được thôi, nhưng chú xem đấy, tôi còn thằng cháu. Tôi mà về thì nó không nương tựa được ai. Tôi có lỗi với con gái vì không động viên chúng nó học hành cho tử tế. Giờ tôi nuôi con thay nó cũng như một sự trả giá về quyết định dại dột khi xưa của mình...

Mắt lão rưng rưng. Dừng một lúc, lão nói tiếp:

- Chú ạ, nhà tôi đi theo tôi thì khổ lắm. Tôi từng ước lúc hai bà mụ nặn hồn vía chúng tôi thì đừng nặn chung, để bà ấy theo tôi cả kiếp này phải khổ sở. Bây giờ bà ấy về mường trời trước, nhưng tôi không muốn xa bà ấy, tôi ở đây còn được ra nói chuyện với bà ấy mỗi ngày, tôi mà đi rồi thì bà ấy buồn lắm. Cảm ơn lòng tốt của chú với tôi, với gia đình tôi. Bao giờ chú rảnh thì lên thăm tôi, ta làm chén rượu. Mà chả biết tới bao giờ...

Lão nói mà nước mắt cứ chảy ra. Tôi xúc động quá không nói được gì. Vậy là tôi đã thất bại, lão sẽ không trở về. Đêm ấy, tôi ở lại ngủ cùng lão Vàng trong căn nhà sàn lụp xụp. Tôi mơ thấy một chiếc quan tài bằng gỗ, bên trong rải đầy tiền vàng mà không thấy xác người chết. Tôi lạnh hết cả người. Trong khi tôi đang loay hoay tìm kiếm thì nhìn thấy lão Vàng nằm dưới gầm sàn, mặt lão tím lịm đi, đôi mắt lão mở trừng trừng nhìn tôi kinh hoàng lắm. Tôi cứng đờ cả người, khi tôi định chạy tới thì cả căn nhà sàn đổ sụp xuống. Thằng cháu lão Vàng đứng bên cạnh đưa đôi mắt ác độc nhìn tôi, bỗng nó cười phá lên một cách man rợ.

Tôi choàng tỉnh. Đang là nửa đêm, lão Vàng vẫn thở đều đều, tiếng mọt nghiến gỗ cọt kẹt, xa xa tiếng con chim “bắt cô trói cột” đang kêu lên từng hồi, từng hồi.

(0) Bình luận
  • Họp lớp
    Tôi bước vào lớp, có lẽ tôi là người đến cuối cùng, bởi trong lớp đã kín gần hết chỗ ngồi, chỉ còn trống một chỗ ở cuối dãy bàn bên phải. Hơi ngượng vì đến muộn nên tôi ngần ngừ trước cửa mấy giây.
  • Sen quán
    Loay hoay mãi chị mới cởi nổi bộ khuy áo. Cái áo cánh nâu bà ngoại để lại. May sao áo của bà không chỉ vừa mà như muốn vẽ lại những đường cong đẹp nhất của chị. Chị là người Hà Nội. Mẹ không biết cụ tổ đến Hà Nội từ bao giờ mà chỉ biết và kể chuyện từ đời ông bà ngoại. Rằng ông ngoại từng là nhà buôn vải lụa còn bà là ca nương ca trù nổi tiếng ở đất kinh kỳ.
  • Một giấc mơ xa
    Vân nằm duỗi chân ở sofa, nghe đài mà hai con mắt cứ ríu lại. Jim và Coen vừa theo bố chúng ra ngoài. Ở thị trấn này, trẻ em và những chú cún luôn được thỏa thích dạo chơi. Ánh nắng của buổi sáng đẹp trời chiếu xuyên qua tấm rèm cửa khiến Vân không nỡ ngủ vùi. Cô sống cùng gia đình chồng ở một vùng phía đông Hà Lan, nơi mà cuối tuần nghe nói mình đi dạo là biết sắp được chở vào rừng. Sáng này nếu không thấy mệt trong người thì cũng đã…
  • Trên đỉnh gió
    Không lãng mạn như hình dung, chiếc tàu chở Lam từ bến cảng thành phố ra đảo chính là “tàu há mồm” có niên đại còn nhiều hơn tuổi của cô. Thủy thủ trên tàu lại càng không như cô vẫn thường tưởng tượng về những chàng lính hải quân đẹp trai, từng trải với trái tim nồng nàn và tâm hồn cực kì bay bổng.
  • Tàu xuôi ra Bắc
    Ba năm trước, tôi gặp Trang trên chuyến tàu mang số hiệu SE đang di chuyển từ miền Nam ra miền Bắc. Lúc đó, tôi ngồi đối diện với Trang ở toa ghế ngồi - toa thường dành cho người đi chặng ngắn. Trong toa xộc lên mùi thuốc lá, mùi dầu gió xanh, mùi bồ kết phảng phất từ mái tóc của mấy người đàn bà và mùi của vô số thứ hàng hóa trên sàn toa.
  • Những hòn đá
    Không ai biết tại sao những người lạ lại chuyển thẳng vào cư trú trong cái làng bẩn thỉu, gồ ghề những đá là đá và quanh năm gió quật. Vợ chồng người lạ nọ đã mua một lâu đài đổ nát nằm trên đồi, sừng sững ở đó từ thuở ấu thơ của họ, và nó thuộc về ngôi làng.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Lão Gàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO