Lan tỏa tinh thần Phật tại tâm

KTĐT| 15/02/2022 22:39

Từ xa xưa, người Việt có quan niệm “Lễ Tết quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”. Cũng trong dịp này, các cơ sở thờ tự tổ chức lễ cầu an - nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng của người dân Việt Nam cũng như tín đồ Phật giáo.

Lan tỏa tinh thần Phật tại tâm
Tuy nhiên, tại các cơ sở thờ tự, thay vì chen chúc đi lễ, dâng sao giải hạn thì người dân dần quen với hình thức đại lễ trực tuyến. Phật tại tâm vì thế ngày càng được lan tỏa.

Kể từ năm 2020, khi dịch bệnh diễn ra phức tạp, nhiều nghi lễ đã được giảm quy mô so với những năm trước. Theo hướng dẫn của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, nhiều cơ sở thờ tự tổ chức lễ cầu an đầu năm dưới hình thức online, phát trực tiếp trên mạng xã hội để đông đảo Phật tử có thể theo dõi tại nhà.

Bên cạnh đó, các cơ sở tôn giáo cũng thu nhỏ quy mô các khóa lễ, chẳng hạn trước đây mỗi khóa lễ có 200 người tham dự thì nay chỉ đón tiếp từng nhóm nhỏ 20 - 30 người để đảm bảo giãn cách.

Ngay năm đầu tiên thực hiện các nghi lễ trực tuyến, nhiều người vẫn có thói quen bái vọng. Nên tại chùa Phúc Khánh vẫn xảy ra hiện tượng hàng nghìn người xếp hàng tràn ra lòng đường Tây Sơn, kéo lên cả cầu vượt Ngã Tư Sở. Đến năm nay, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tuyên truyền gửi đến tăng ni các chùa - cơ sở tự viện về việc tổ chức nghi lễ cầu an Tết Nhâm Dần 2022 đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 và các hoạt động mừng Xuân mới an vui.

Theo đó, Giáo hội yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước tăng cường các bài giảng, pháp thoại, hướng dẫn thực hành thiền và các khóa tu, buổi lễ cầu an online kết nối rộng rãi với đồng bào Phật tử trong nước, Việt kiều ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, đem đến tinh thần lạc quan, sự bình an, giảm các tác động stress tâm lý do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời gian dài vừa qua.

Sau 2 năm tăng cường tuyên truyền, đến Xuân Nhâm Dần 2022 người dân đã có sự thay đổi dần về nhận thức. Theo đại đức Thích Minh Đức, đại diện chùa Phúc Khánh, lượng người dân đăng ký cầu an trực tuyến tăng hơn so với năm đầu tiên. Nhà chùa sớm thông báo về lễ cầu an trực tuyến vào 19 giờ tối 14 tháng Giêng, chỉ hạn chế một số lượng nhất định tại chùa (không quá 30 người).

Không chỉ có chùa Phúc Khánh mà ở rất nhiều cơ sở thờ tự khác, nhờ tinh thần thích ứng linh hoạt của Giáo hội trong hai năm qua, người dân đã quen dần quen với hình thức đại lễ trực tuyến, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh.

“Với chủ trương này, các cơ sở thờ tự đáp ứng được nhu cầu tâm linh của người dân, đảm bảo an toàn cho Phật tử, tạo tâm lý thoải mái hoan hỷ cho khách thập phương khi đầu năm được đến chùa cầu an, cầu phúc” - hòa thượng Thích Bảo Nghiêm cho biết.

Ngoài ra, bên cạnh việc thực hành nghi lễ cầu an, lan tỏa tinh thần Phật tại tâm, trong dịp này, nhiều người đã có hành động thiết thực như làm từ thiện, tu sửa bản thân. Mỗi người có thể làm việc tốt bằng những cách thức đơn giản và thiết thực như hiến máu, nói những lời khích lệ, tán dương nhau, tặng nhau những nụ cười chân thành cũng là một cách hành thiện, cầu phúc đầu năm.

Để việc lễ nghĩa được trọn vẹn, việc làm phúc bằng những phương pháp như ăn chay, từ thiện, phóng sinh... cũng phải được thực hiện đúng cách và thiết thực, tùy theo khả năng của bản thân mà vẫn giữ đúng giá trị, trọn vẹn ý nghĩa tích đức, mang bình an cho cuộc sống quanh mình.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tinh thần Phật tại tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO