Hạnh phúc trong mơ

HNM| 06/04/2022 23:39

Cho đến khi đứng trước cái cổng kết hoa treo tấm bảng chữ vàng trên nền đỏ bắt tay từng vị khách mời, tôi vẫn ngỡ mình đang mơ. Con trai đứng bên cạnh thấy mẹ lúc nào cũng chầu chực nụ cười thì nhắc khéo “sao mẹ lúc nào cũng cười thế?”. “Hôm nay là ngày vui của hai con, mẹ không thể không vui. Mẹ cứ ngỡ là mẹ đang mơ con ạ”. Sao lại mơ, khi mọi thứ đang rõ mồn một như ban ngày? Sẽ ra sao nếu giờ tôi vẫn ở với gia đình chị gái? Tôi không thể hình dung được.

Hạnh phúc trong mơ
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Hơn bốn mươi cái xuân, tôi đã từ chối hàng chục cuộc mai mối của những người trong xã, ngoài huyện. Nhưng chẳng hiểu sao tôi lại chọn anh, người đã qua một đời vợ, con cái đã lớn. Có lẽ nào là do duyên phận từ kiếp trước? Có thể lắm!

Tôi, một người gái già, mặt không xinh, răng hơi hô, hai má phúng phính, nhiều khi soi gương tôi còn thấy giật mình. Sẽ không có người đàn ông nào dám lấy một người có khuôn mặt không dễ nhìn về làm vợ. Tôi đã xác định ở nhà chị gái, tuổi già trông cậy vào cháu. Tôi đã chăm ba đứa con của chị như con đẻ của mình. Từ nhỏ chúng quấn quýt bên dì còn hơn mẹ. Tôi chưa bao giờ quát tháo hay đánh chúng một roi. Thương yêu cháu còn không hết, khi về già chẳng lẽ chúng lại không chăm sóc dì?

Nhưng sự đời... Dì thương các cháu nhưng chúng nào có thương dì. Hai cháu gái lớn đã gả chồng, còn thằng cháu trai học xong phổ thông đã theo người họ hàng đi xuất khẩu lao động, sinh sống mãi tận nước Nga xa xôi. Vài năm nó lại gửi cho bố mẹ mấy trăm triệu đồng. Anh chị giục nó về nhà kiếm đứa nào đó cưới rồi sinh con, chứ ở mãi bên đó sao lấy được vợ, nhưng nó bảo: “Chừng nào dì Loan chưa đi lấy chồng thì con không về nhà đâu”.

Tôi tình cờ nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa anh chị với cháu. Hóa ra nó chưa chịu về nước là vì tôi chưa đi lấy chồng. Người dì này ở nhà làm vướng chân vướng tay chúng nó. Mười ba năm trước, khi chị gái thứ hai đưa con về nhà ngoại, thằng Phương đã nói: “Đấy như dì Lanh năm hai lần về nhà ngoại đem theo bánh trái, gà vịt về cúng ông bà tổ tiên, ăn bữa cơm với gia đình nhà ngoại, thế mới đáng quý. Chứ...”. Nó không nói hết câu nhưng tôi biết nó đang nói về tôi. Nhưng khi đó tôi không quan tâm. Tôi là người lớn, sao thèm đi chấp với con trẻ. Ấy thế mà lời của nó không phải là lời nói đùa. Bằng chứng là tôi đã nghe được cuộc nói chuyện điện thoại giữa vợ chồng anh chị với nó.

***

Cha mất từ khi tôi lên năm. Và sau ngày mẹ mất thì mọi thứ với tôi thật tệ. Tôi không còn ăn chung mâm với vợ chồng chị gái. Ngày còn mẹ, vợ chồng chị không bao giờ nặng lời với tôi, nhưng bây giờ thì họ đối xử với tôi chẳng ra gì. “Vì dì mà thằng Phương không chịu về đấy, dì biết không? Nó không chịu về thì biết đến bao giờ anh chị mới có cháu nội bế bồng? Bằng tuổi này người ta lên ông bà lâu rồi đấy”.

Tôi thật sự bất ngờ. Mộ mẹ chưa xanh cỏ mà anh rể đã nặng lời với tôi như thế. Bấy lâu nay tôi đã sống dưới cái bóng của mẹ. Mẹ giống như con gà mái che chở cho đàn con. Đồ gỗ chắc bởi đinh đóng, người phụ nữ quý khi có con cái. Tôi không có con, khác gì cây đu đủ đực trong vườn người ta toan chặt mà không chút đắn đo. Đàn bà tuổi ba mươi níu kéo hồng nhan chẳng được, vết chân chim hằn dần lên sau đuôi mắt. Ngoảnh đi ngoảnh lại cái già đã sầm sập đến. Bông hoa tươi chỉ bán được khi còn rực rỡ, đến khi héo rồi có mấy ai quan tâm? Tôi bây giờ đã là bông hoa héo tàn, chẳng ai muốn ngắm. Định cả đời trông cậy vào cháu, nhưng cháu lại chỉ muốn dì biến ra khỏi nhà để đỡ vướng chân tay. Lúc này giá mà có một đứa con thì tốt biết mấy.

Tôi đã từng mang thai. Cái hoài thai loạn luân, tội lỗi. Em vợ có thai với anh rể, miệng lưỡi người làng người xóm cứ xoáy vào gan ruột tôi. Không thể giữ lại đứa con không mong muốn này, anh rể chở tôi ra thành phố, đến một phòng khám tư  nằm sâu trong ngõ ngách. Chuyện tôi và anh rể, chị gái biết nhưng không hề ghen. Có lẽ nào chị muốn tôi và chị lấy chung một chồng? Có lẽ nào chị thương đứa em gái út quá lứa lỡ thì, muốn tôi có con để có được cảm giác hạnh phúc làm mẹ. Nhưng anh rể biết không thể giữ đứa con đang hình thành trong bụng em vợ. Nó chào đời sẽ là em trai cùng bố với thằng Phương. Sẽ phải làm giấy khai sinh, hộ khẩu. Nó không phải là con ngoài giá thú khi bố nó đang sống sờ sờ được. “Phải phá”. Hai từ nặng trịch từ miệng anh rể làm tim tôi nhói đau. Đau nhưng biết làm thế nào được. Ai bảo tôi bao nhiêu mối tốt không ưng để giờ nhận lấy cái nhục nhã ê chề.

Phải đi thôi, dù tôi biết ở tuổi tôi, ở cái làng này, đã là quá muộn cho việc xây dựng hạnh phúc gia đình. Người phụ nữ khôn thì năng làm việc bên chồng, đàn bà khờ dại chăm làm việc nhà mẹ đẻ. Bao nhiêu năm qua tôi là kẻ khờ dại nhất làng nhất xã. Bao gánh thóc gánh ngô đè nặng trên vai chẳng được hưởng thành quả. Tiền mua sắm quần áo, chi tiêu cá nhân chỉ trông chờ vào những gánh củi khô nhặt trong rừng xa. Bao nhiêu gánh rau lợn qua tay, đến khi lợn bán cho thương lái được tiền vợ chồng chị gái giữ tất. Thân phận tôi khác gì ô sin ngoài thành phố, thậm chí còn không bằng. Ô sin được trả lương hằng tháng, còn tôi chỉ được nuôi ăn ba bữa mỗi ngày, không được trả tiền lương.

***

Biết cháu bị đối xử bất công, sống như người thừa trong nhà, bà cô ruột đã khuyên tôi: “Có người hỏi là cháu không được từ chối nữa. Đi làm vợ lẽ người ta cũng được. Mình yêu thương con cái họ thì con cái họ cũng sẽ yêu quý mình cháu ạ. Nếu cháu có đứa con nữa thì không hạnh phúc nào bằng đâu”.

Lời của cô tôi nghe thuận tai lắm. Hôm người đàn ông góa vợ ở tỉnh bên cùng với đứa con trai đem bình rượu và đôi gà đến ra mắt, cô tôi là người vui nhất. Cứ như con gái của bà có người đến dạm hỏi vậy. Đứa con trai cứ mở mồm là xưng “con”, gọi “mẹ”. “Mẹ ơi, mẹ hãy đồng ý về ở với bố con con đi ạ! Mẹ con mất sớm, nhà không có bàn tay phụ nữ cứ luộm thà luộm thuộm. Mẹ về với bố con con để vun vén cho gia đình hạnh phúc”... Lời của đứa trẻ mới lên mười như dòng nước trong lành làm mát lòng mát dạ người lớn. Đó có phải là câu nói từ đáy lòng của một đứa trẻ tâm hồn non nớt, hay nó được người lớn mớm lời, như bài học thuộc lòng để nói với mẹ kế? Sau này khi về làm mẹ kế thằng Hoan tôi mới biết bố nó không hề dạy con, dù chỉ nửa câu để nói trong ngày ăn hỏi.

Người ta nói tôi là một người đàn bà hạnh phúc. Là người ít chữ nên tôi chẳng thể cắt nghĩa được hạnh phúc là gì. Với tôi, có đứa con, đi đâu cũng được người làng chào hỏi, không ai nói xấu trước mặt, sau lưng thì đó là hạnh phúc.

“Mấy đời bánh đúc có xương. Mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng”. Người ta cứ nói về vợ lẽ của người đàn ông góa vợ như thế. Ở đâu không biết, nhưng cô Hoan (người làng gọi tôi theo tên con) từ khi làm mẹ kế thằng Hoan có thấy bao giờ ngược đãi, cư xử tệ bạc với con chồng. Ngay cả khi có con trai với bố Hoan cô cũng không phân biệt con đẻ với con riêng... Nghe người làng nói về mình mà tôi cảm động. Tôi cố gắng làm một người mẹ tốt, công bằng với các con. Tiền tiêu vặt tôi đưa đều cho hai đứa. Ra chợ, con đẻ được bộ quần áo thì con chồng cũng không thể không có. Tôi xem hai đứa như hai bát nước đầy, không thể con đẻ thì đầy mà con chồng lại vơi được.

Ngày thằng Hoan lấy vợ tôi là người lo lắng nhất. Thiếu tiền thiếu gạo còn có thể vay người này người kia để đến vụ cấy hái đem trả, chứ tôi lo không đến nơi đến chốn thì người ta lại có cớ nói ra nói vào. Từ ngày con thông báo có người yêu và sẽ tiến tới đám cưới, tôi đã hỏi han kinh nghiệm tổ chức đám cưới để chuẩn bị mọi thứ cho chu toàn. Đến mức chồng tôi phải thốt lên: “Nếu mẹ thằng Hoan còn sống chắc cũng chỉ lo được đến thế thôi”. Thấy tôi hao gầy sau đám cưới, thằng Hoan cầm tay tôi rưng rưng: “Con thật sự cảm ơn mẹ, vì con mà mẹ đã phải lo lắng thật nhiều”. Tôi chỉ nói: “Các con sống tốt thì mẹ mới cảm thấy hạnh phúc, an lòng”. Hai mẹ con nhìn nhau, hai giọt nước mắt rơi thầm lặng.

Từ ngày cưới vợ, thằng Hoan không cùng tôi về ngoại vào dịp lễ tết nữa. Tôi cũng không về nhà chị gái, chỉ có thằng Phúc đi một mình. Vợ chồng chị gái hỏi: “Sao mẹ cháu không về?”. Nó trả lời: “Về già mẹ cháu mắc chứng đau lưng, đi xa ngồi xe lâu không chịu được ạ!”. Chẳng biết ai bày cách nói dối cho nó như thế.

Thực lòng tôi cũng không muốn về nhà chị gái. Thằng cháu đã về nước sau khi tôi đi lấy chồng. Ngày Phương lấy vợ, tôi cùng chồng con về dự đám cưới và mừng cho hai cháu. Tôi thật lòng chúc cho vợ chồng nó hạnh phúc. Nhưng vợ chồng nó cứ như chó với mèo...

Yêu thương cho đi, hạnh phúc sẽ tự nhiên đến. Các cụ dạy thật có lý. Tình yêu thương tôi đã cho nhưng không mong nhận lại lòng báo đáp. Thằng Hoan đã có con. Giờ đến lượt thằng Phúc cưới vợ. Một đứa con gái xinh nhất vùng. Nhìn hai con mỉm cười hạnh phúc, tự nhiên tôi thấy trong lòng như có hàng trăm hàng ngàn đóa hoa đua sắc.

(0) Bình luận
  • Họa mi vương vấn
    Chọn cho mình một góc quán cà phê ngoài trời, tôi nhìn dọc theo Phố sách Hà Nội. Vài ba người có lẽ là khách du lịch đang thích thú chụp ảnh và lựa sách, thi thoảng so vai, sửa lại khăn choàng khi có cơn gió ngang qua.
  • Thân thương căn bếp mùa đông
    Ngoài kia, gió mùa Đông Bắc ào ạt tìm về, bập bùng trên mái tôn, hun hút luồn vào khe cửa. Những chiếc lá cuối thu lặng lẽ buông mình. Đất trời hanh hao đón một mùa đông mới. Chị em tôi chui ra khỏi chăn chờ mẹ tìm quần áo ấm.
  • Phố cũ
    Chiều. Làn gió se lạnh vời vợi dọc theo những con phố. Gió về cuốn đi cái oi nồng của những ngày nắng hanh hao. Bỗng vòng xe vô tình rẽ vào phố cũ. Lâu lắm không về phố, hình như đã không còn cảm giác thân thuộc ngày nào. Phố cũ hiện ra trước mặt là lạ, quen quen…
  • Yêu Hà Nội từ những trang văn
    Dẫu không sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng tôi yêu Hà Nội tha thiết. Tình yêu này có lẽ đã có trong tôi từ khi còn thơ bé. Thuở ấy, Hà Nội còn là giấc mơ xa xỉ với một đứa trẻ suốt ngày quanh quẩn bên ruộng đồng vườn tược, bên những dòng sông tít tắp miền Tây Nam Bộ xa xôi.
  • Cô giáo chủ nhiệm mới
    Ngày đầu tiên tới trường luôn là ngày hồi hộp nhất trong cả năm học. Nhưng đối với Hà, cứ nghĩ đến việc phải từ bỏ mọi sự thoải mái trong những ngày hè để lê người đi học là thấy ngại.
  • Có phải em, mùa thu…
    Bầu trời hôm nay như rộng hơn, mây như xanh hơn, gió như thanh mát hơn, mênh mang đến tận cùng. Gió cuối hạ lang thang đầu dãy phố, la đà trên vòm phượng xanh biếc còn sót lại những bông hoa cuối mùa bừng lên rực rỡ. Có phải em, mùa thu…!
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Hội Điện ảnh Hà Nội: Nhiều hoạt động ghi dấn ấn trong năm 2024
    Sáng ngày 11/12, Hội Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ tổng kết công tác năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025.
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
Đừng bỏ lỡ
Hạnh phúc trong mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO