Thơ Nguyễn Thanh Kim là những cuộc gọi dậy. Gọi dậy và tìm về. Vang lên trong thơ anh là sóng đỏ bến đò Hồ, tiếng thầm thì xào xạc của đồng mía, là niềm khắc khoải trong câu hát Khau Vai, là bóng mẹ chiều hôm, là “giọt cà phê đắng xuống lòng đêm” cao nguyên và nỗi ngậm ngùi “Tiếc một chút trong của ngất ngơ vụng dại”…
Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim
Khi con người ta còn biết tiếc những ngất ngơ vụng dại thuở mới chạm mặt với đời là phần trong sáng thơ ngây vẫn còn, sự lương thiện vẫn còn chứ chưa đến nỗi chai lì, chưa bị những thực dụng của cuộc đời đánh bại.
Nhà tôi bên Long Biên, phía Đông TP.Hà Nội. Nguyễn Thanh Kim tận Yên Sở (Hoàng Mai) cách nhau phải non hai mươi cây nhưng trong số các bạn bè văn chương thì Nguyễn Thanh Kim là người hay sang tôi nhất. Khi giữa trưa, lúc chiều tối, khi khệ nệ cả chồng sách báo, khi chỉ một chiếc túi đeo vai. Khi có lí do, khi chả cần lí do, đang trên xe chợt nhớ nhau là “a lô” liền.
Hồi học ở trường Viết văn Nguyễn Du, Nguyễn Thanh Kim có biệt danh “địa chỉ trên yên xe đạp” vì anh luôn có nhu cầu “lên xe” đi đâu đó - đến bạn bè hay các tòa soạn báo. Xưa xe đạp, nay xe bus. Nghỉ hưu thì xe bus là chính. Có lần xuống xe bước hụt thế nào mà gãy chân khiến anh phải nằm viện cả tháng. Nhưng lành chân lại đi. Sau mỗi cuốc xe là có một thông tin mới hay một bài thơ mới.
Nguyễn Thanh Kim là người viết khỏe (trong ảnh: cuốn hồi ức văn học và tiểu luận - Nghiệp văn biết mấy…- của Nguyễn Thanh Kim).
Nhớ tới Nguyễn Thanh Kim tôi còn nhớ tới một hình ảnh khác cách đây gần 40 năm ở trường Viết văn Nguyễn Du.
Hồi ấy, Hà Nội chưa thức khuya như bây giờ, mới khoảng hơn 10 giờ đêm nhưng mọi hoạt động trong trường Đại học Văn hóa đều đã kết thúc, sinh viên đã đi ngủ. Bất ngờ tại một phòng trong kí túc xá còn sáng đèn - hình như phòng Y Phương - bỗng vang lên tiếng đọc thơ sang sảng cùng những tiếng gõ liên tục vào nồi niêu chai lọ gì đó. Người đọc thơ cũng đã giữ ý khi không để quá ồn ào, nhưng do đêm khuya yên tĩnh nên tiếng đọc thơ vẫn vang lên rất “hoành tráng” đánh thức nhiều người dậy. Phía bên trường Đại học Văn hóa dăm ánh mắt tò mò nhìn sang trong ánh đèn bật vội rồi lại tắt vội để quay ra ngủ tiếp vì họ đã quá quen với những phen ngẫu hứng của mấy ông bên này. Nhưng ở dãy nhà sinh viên trường Viết văn Nguyễn Du thì khác. Nàng thơ không để họ được ngủ yên. Nhiều bước chân đua nhau chạy sang rồi lại chạy về làm náo động hết cả. Tôi cũng chạy sang nhưng chưa kịp ngó vào xem ai trong đó thì đã “đụng” ngay Nguyễn Thanh Kim đứng sừng sững trước cửa phòng từ bao giờ. Mình trần. Đầu nghển nghển. Và cái dáng đứng “học trò trường văn” của chàng thi sĩ Kinh Bắc đêm ấy cứ in đậm mãi trong tôi như một tượng đài của tình yêu thơ ca.
Say mê đắm đuối với thơ nhưng lại tuềnh toàng hồn nhiên trong đời sống. Như cái đận Nguyễn Thanh Kim lấy vợ, cả lớp, nhất là tôi và Kim Chuông đã quay như chong chóng để dọn dẹp phòng, mượn bàn ghế lo trang phục chú rể mà vẫn bị quát:
- Sao đến giờ vẫn chưa có giày? Các ông làm ăn thế à? Nhớ cà vạt nữa nhé! Phải cà vạt đỏ ấy…
Chúng tôi cười. Cán bộ cán bèo tỉnh lẻ hồi ấy lấy đâu com lê cà vạt với giày. Tất cả đều phải mượn bạn bè ngoài phố. Mà chân cẳng nhà thơ lại khác người, to ngoác. Có lẽ “hắn” cậy đứng chữ Mậu Tí nên tính thích oai chăng ?.
Tập thơ - Thế giới của những giấc mơ - của Nguyễn Thanh Kim được dịch sang tiếng Romania.
Lại bận phu nhân thi sĩ “vỡ đê” mà đức ông chồng biến đâu mất từ sáng sớm khiến cả khu tập thể nháo nhác. Tôi và Trần Quốc Thực được cử đưa H. vào Bệnh viện Bạch Mai với lời dặn trực bên ngoài cho tới khi nghe thấy tiếng trẻ khóc thì báo ngay về. Thế mà nay thi nhân đã lên chức ông ngoại với bốn cháu trai. Và bằng thơ anh đã thật thà “nhận lỗi” với cô con gái đầu sinh ở Bạch Mai hôm ấy: “Cha vụng dại lại ngơ ngác chuyên đời” (Nhắn gửi)
Trông tưởng ngơ ngác thế nhưng xem ra cái gì Nguyễn Thanh Kim cũng biết. Ai mới có thơ in Báo Văn nghệ, ai vừa ra sách, ai đang đi thực tế, đâu có hội thảo… anh đều nắm rất rõ.
Đồng hành với tình yêu thơ ca, quan tâm tới đời sống văn nghệ ấy là một Nguyễn Thanh Kim mang tình yêu quê hương đất nước tha thiết, là lòng yêu thương con người sâu nặng, là khát khao vươn tới một đời sống Chân - Thiện - Mỹ và “lặng lẽ tỏa hương” như tên một bài thơ của anh. Cái gốc của thơ Kim, cảm xúc cội rễ của thơ Kim là thế mà tác phẩm chính là sự hiển hiện.
Nguyễn Thanh Kim tuổi Mậu Tí, quê gốc Thanh Trì, Hà Nội nhưng gia đình đã chuyển lên Bắc Ninh từ thời ông nội. Anh sinh ở Bắc Ninh và sống ở Bắc Ninh từ bé. Tuy vậy hình ảnh cái ‘thị xã đèn dầu” mờ tỏ ấy lại ít xuất hiện trong thơ Kim mà hình ảnh vùng đất Kinh Bắc giàu sắc thái văn hóa truyền thống, dân giã và huê tình với sông Cầu, bến đò Hồ, hội Lim, đền Đô, chùa Phật Tích và những tên tuổi Đề Thám, Nguyên Hồng, Hoàng Cầm, Anh Vũ… thì rực rỡ và tràn ngập trong văn thơ anh.
Đá vô tri nhưng con người biết suy nghĩ. Thiên nhiên bất tử nhưng đời người có hạn. Trên vùng đất giầu tâm linh ấy, có lúc nhà thơ đã thoáng những băn khoăn siêu hình trước đá:
Đứng trước đá vô tri
Chạm mặt vào bất tử
Ngực đập dồn vó ngựa
Ruổi rong ta về đâu
(Giấc mơ đá)
Trước cây dã hương đã có từ nghìn năm, anh bồi hồi đánh thức lịch sử:
Dã hương, dã hương
Cành lá như mơ, phảng phất sương
(…) Gươm ánh trăng khuya lạnh trướng điều
(Dã hương)
Nhưng thường là những lo lắng băn khoăn cụ thể về thời mình sống:
Đôi khi ta tự hỏi
Lòng tốt có thật không
Cái thiện thì bấy bớt
Ác kia đang hoành hành
(Tin)
Và day dứt :
Biết lòng ta có mặn
Vỗ thấu bể vô thường
(Bến)
Có lẽ căn bệnh đáng sợ nhất của thời đại công nghệ 4.0 hôm nay với vật chất đầy đủ, khoa học phát triển và tiện nghi sẵn bên mình là căn bệnh vô cảm.Thấu được bể vô thường thì rất khó, thậm chí là không tưởng nhưng biết nhìn vào lòng mình, biết nghĩ tới người khác, biết hỏi mình có - hay còn - bao nhiêu độ mặn với con người và cuộc đời là một trăn trở thật sự đáng quí. Và điều ấy cũng không phải ai cũng làm được.
Cùng với cuộc đời nhà thơ đang ngược dốc. Khó khăn vất vả nhưng anh vẫn không mất hết niềm lạc quan “Nghe phù sa đỏ lựng sông Hồng trổ bắp” (Ngược dốc).
Thơ Nguyễn Thanh Kim “không ngồn ngộn hiện thực” - như một nhà phê bình đã viết. Anh bay lơ lửng giữa mặt đất gồ ghề và lung linh ánh sáng của các vì sao. Hiện thực đã thẩm thấu vào anh. Ánh sáng các vì sao mời gọi anh. Sau cái ngơ ngác thi sĩ như phần nổi của một tảng băng là phần chìm của trực giác, phần sâu nặng của tư duy.
Và những phẩm chất ấy của thi sĩ cũng chỉ có được khi “trăng soi thật mình” - như tên một bài thơ của anh - khi anh dám tự bóc mình ra để nhìn sâu vào số phận:
Nhiều khi ta tự bóc mình ra như bóc một trái cam
Chợt ngọt đầu môi mà se se đắng
(Nhiều khi)
Cái cảm giác chưa ngọt mà đã se se đắng ấy là cảm giác của cả một thế hệ, của tất cả những ai còn nặng lòng với quá khứ.
Buồn quá, cũng có lúc anh thương thân trách phận:
Anh
Kẻ dại khờ
Kẻ dại khờ muôn thuở
(Soi gương)
Nhưng than trách thì được gì bạn nhỉ?.
Nguyễn Thanh Kim không lên tàu tốc hành theo những toa chở đầy sự kiện lớn mà anh thích lãng du để ngắm người xem cảnh. Thơ anh không có sắt thép, bão giông nhưng nhiều mưa nguồn chớp bể. Anh len lỏi vào những vi mạch của đời sống, chiêm nghiệm đời sống, thủ thỉ với đời sống và nguyện làm một cơn mưa lành trên đất quê.
Nói thế nhưng Nguyễn Thanh Kim cũng có những câu thơ với cảm xúc khỏe khoắn, những thi ảnh vượt ra ngoài cái tạng quen thuộc của mình.
Qui Nhơn - con thuyền xoãi dài trên cát đón gió khơi xa
(Qui Nhơn)
“Niệm khúc về anh” là bài Nguyễn Thanh Kim tưởng nhớ đến nhà thơ Anh Vũ, sau ngày nhà thơ này mất. Có nhiều câu, nhiều khổ thơ thật cảm động thể hiện rất rõ sự tri kỉ giữa hai nhà thơ. Thơ bề bộn ngổn ngang như văn xuôi, trần trụi, thô mộc với các hình khối mới mẻ dựng lên thật sinh động một chân dung:
Anh đọc thơ hào sảng, tay vuốt tóc từ nước bọt mình
Mùi “gấu ngựa” phả nồng gần riết rồi quen
(Niệm khúc tiễn anh)
Tôi đã vài lần gặp nhà thơ - nhà điêu khắc Anh Vũ khi ở Hà Nội, trên Bắc Giang và lặng lẽ ngắm vườn tượng của anh, nghe anh đọc thơ và uống rượu với anh. Đó là một con người vừa tinh tế vừa “bụi”, vừa hiện đại vừa cổ xưa, dân giã như chính các tác phẩm của anh. Nguyễn Thanh Kim tìm được những chi tiết thật đắt giá để miêu tả chính xác, nhất là chi tiết Anh Vũ vừa miệng đọc vừa đưa tay lên “vuốt tóc từ nước bọt mình” trong một không gian “mùi gấu ngựa ” phả nồng ra từ cơ thể thi sĩ.
Hay hình ảnh “cái quán bia ngơ ngác ngã tư đường phố Bắc Giang” ngơ ngác như chính tác giả trong ngày anh Anh Vũ mất và cả hai câu thơ rất hay của Anh Vũ mà Nguyễn Thanh Kim đưa vào thật đắc địa:
Nồng nỗng sông Cầu chưa biết thẹn
tôi thuở trai làng em gái quê
Anh cũng là người viết khỏe và in cũng khỏe. Bạn bè quen biết Nguyễn Thanh Kim thường nói vui “chả biết có phải vì “cậy” vợ làm ở Vụ thư viện Bộ Văn hóa Thông tin không mà bác ấy ra sách liên tục thế”.
Đến nay anh đã có gần 30 đầu sách. Trong số gần 30 đầu sách ấy có cả hồi ức văn học (như sách về Nguyên Hồng), tản văn, những suy nghĩ về nghề - mà những suy nghĩ về nghề của anh cũng… rất có nghề! Nhưng chủ yếu vẫn là những đầu sách thơ. Thơ người lớn và thơ viết cho trẻ em. Tập “Thơ Nguyễn Thanh Kim” (tuyển) mà tôi đang có trên tay dày 312 trang với lời giới thiệu trang trọng của nhà thơ Bằng Việt.
Thơ Nguyễn Thanh Kim cũng như con người anh, không vội vã trên đường, không lớn tiếng và cũng không chạy theo tân kì mô đéc. Trước sau anh vẫn là một nhà thơ truyền thống lấy cảm xúc làm nền tảng và biến hóa trong những thường nhật của đời sống đương đại. Thơ anh đến với bạn đọc trước hết bằng cái tình, bằng tấm lòng và những sẻ chia. Anh đến với độc giả như một người bạn gần gũi và tin cậy. Thơ anh níu giữ bạn đọc bằng sự chân thành giản dị. Anh bền bỉ trong một hướng đi riêng để song hành cùng cả thế hệ. Chúc mừng nhà thơ Kinh Bắc, bạn tôi.