Anh Khung của tôi

hanoimoicuoituan| 03/05/2022 16:28

Bây giờ đang là mùa hoa sấu nở. Dãy phố nhỏ như choàng lên mình chiếc áo màu trắng. Những cánh hoa nhỏ li ti nở ken vào nhau, dậy một mùi hương dìu dịu. Cơn gió nhẹ ùa qua, những bông hoa nhỏ nối nhau rơi xuống hệt như một trận mưa rào nhẹ. Hoa sấu rụng trắng mặt đường, rụng thành thảm dày.

Anh Khung của tôi
Minh họa: Lê Trí Dũng.

Mặc cho những bông hoa sấu rụng rắc lên tóc, rụng xuống lòng bàn tay, anh Khung đi bộ dọc dãy phố. Bàn tay phải của anh rờ rờ vào thành những chiếc xe tải phủ bạt kín mít nằm im bên vệ đường. Dưới gầm xe hoặc khoảng cách giữa hai xe, cánh bộ đội lái xe đang ngủ say. Có anh nằm võng. Có anh trải nilon dưới nền đường. Cứ mỗi lần gặp một anh bộ đội đang ngủ thì anh Khung lại dừng lại, nói khẽ: "Các đồng chí ngủ đi. Tối nay sẽ hành quân".

***

Anh Khung là con bác, tôi là con cô. Thực tình là họ xa, nói ra thì vòng vèo lắm. Bù lại khoảng cách "bắn ca nông mới tới" ấy là mối quan hệ khác. Anh là học trò cũ của bố tôi. Nói chính xác thì anh từng học trường cấp III do bố tôi làm Hiệu trưởng. Ngôi trường hiện diện tại một thị trấn cũ kỹ. Anh Khung đi bộ đội sau Tết Mậu Thân, khi đang học dở lớp 10. Anh đến nhà tôi, nói trang nghiêm: "Chào thầy em đi". Bố tôi vỗ vai anh: "Cháu đi... Em đi mạnh khỏe nhé!". Năm đó tôi mới 11 tuổi.

Cuối năm 1971, anh Khung đột ngột đeo ba lô về làng. Cả làng đều chạy ra, có người còn sờ nắn như thể muốn xem có đúng là anh Khung thật không. Bác Mộc mẹ anh đứng rất xa (bác vốn ngại chỗ đông người), mắt rơm rớm. Anh Khung thì trái lại, nói rất to rồi cười cũng rất to: "Bị thương nhẹ thôi. Tao chết thế đếch nào được". Bọn trẻ con chúng tôi phục lắm, càng phục hơn khi biết anh Khung là lính đặc công nước. Anh bảo: "Tao đánh nhau ở rừng Sác. Mặc độc xà lỏn thôi. Như bọn mày mặc quần đùi chạy nhông ấy".

Anh Khung không chết như tin đồn về làng. Anh bị thương và được đưa ra Bắc an dưỡng. Đợt này anh về quê nghỉ ít ngày. Bọn choai choai rồng rắn đi theo anh dọc con phố huyện ngắn tun ngủn. Anh Khung vẫn khoác ba lô, anh chưa vội về nhà, anh bảo: "Tao phải đến chào thầy trước đã". Anh đến nhà tôi. Bố tôi nhìn anh từ chân lên đầu ý như ướm xem anh cao lên bao nhiêu. Anh Khung thấy vậy cứ đứng nghiêm, cố rướn người cho cao thêm. Rồi anh hỏi bố tôi: "An dưỡng xong thầy có cho em vào lớp học lại không?". "Học chứ! Nhất định các em trở về đều được trường nhận vào học". Anh Khung vui lắm. Không ngờ đấy lại như câu chuyện đùa.

***

Ở nơi an dưỡng anh Khung được chăm sóc chu đáo. Bố tôi xem báo rồi nói: "Chỗ anh Khung là trại thương binh tâm thần". Tôi áy náy hỏi lại: "Tâm thần là thế nào?". "Là người lẩn thẩn, mất trí ấy". Bố tôi cố giấu nét buồn, cúi mặt xuống tờ báo, trả lời. Tôi không hỏi nữa nhưng suy nghĩ trẻ con bắt đầu nhen nhóm: Anh Khung bị thế à? Anh sẽ không học được nữa à?

Đến mùa hoa sấu nở thì anh Khung từ trại an dưỡng ở Ninh Bình trở về. Cũng đột ngột và bất ngờ như lần trước. Nom anh béo, đen như vừa phơi nắng. Mái tóc cắt cua trông ngồ ngộ. Anh về tay không, ngoài bộ quần áo bộ đội đã dung dúc mặc trên người ra anh không mang theo một thứ gì. Anh Khung đi bộ từ đầu phố lại, vừa đi vừa ngó nghiêng. Thoạt đầu không ai nhận ra. Vả lại đang tầm trưa nên dãy phố vắng vẻ. Tôi đang vốc một nắm hoa sấu rụng định hất tung lên thì cánh tay bị giữ lại. "Mày là thằng Trường hả?". Tôi giật mình ngơ ngác nhìn. Gương mặt người ấy nhìn tôi chờ đợi. Tôi kêu lên: "Á", rồi vùng chạy, miệng hét to: "Anh Khung đã về! Anh Khung đã về!". Những cánh hoa nhỏ li ti rụng xuống rào rào, phủ trắng quanh nơi anh Khung đang đứng. Anh cười không thành tiếng.

Nhưng ác nhất là vết thương vùng đầu ngấm dần, ngấm dần. Anh Khung bắt đầu phát bệnh. Anh vừa đi vừa nói lảm nhảm những câu mà không ai hiểu. Bệnh tăng dần, nhất là hôm nào nắng to. Bộ quần áo bộ đội được anh vận chỉnh tề, dép cao su đủ bốn quai, đầu không mũ nón, anh chạy huỳnh huỵch và gào ầm ĩ. Dân phố chạy tán loạn, họ bảo nhau: "Thằng điên! Thằng điên!". Tôi đứng bên gốc sấu dõi theo mọi cử chỉ của anh Khung và thái độ của mọi người. Trong nhìn nhận của mọi người thì anh Khung là một "thằng điên" đang hò hét và phá phách. Các cánh cửa cọt kẹt khép lại trước khi anh Khung tới và he hé mở ra khi giọng hò hét của anh đã xa xa. Trời thì nắng chang chang, tiếng ve kêu sốt cả ruột.

***

Những ấn tượng về anh Khung nhạt dần theo năm tháng. Vả lại thời gian đã làm tôi thay đổi, giờ đã ra dáng thanh niên. Năm 1975 đến và kéo theo một không khí bừng bừng. Sau Tết, tôi có lệnh gọi nhập ngũ. Buổi tối hôm trước ngày tập trung, anh Khung đột ngột xuất hiện. Anh già đi nhiều so với tuổi. Đã ba năm “cái thằng điên" lại hiện diện. Cả nhà tôi thoáng chút sững sờ. Bố tôi bình tĩnh hơn, hướng mặt về phía anh rồi nói: "Khung về đấy à? Vào nhà đi em". Anh bước vào nhà, chẳng chào hỏi ai, đến thẳng bên tôi và nói bằng cái giọng mệt mỏi: "Mày đi bộ đội. Tao cho mày cái này". Tôi cố níu anh ngồi xuống hòng hỏi chuyện: "Anh uống chén nước đã". Tay xua rối rít, anh Khung nói: "Đi theo tao. Đi theo tao".

Chúng tôi đứng cạnh một mảng tường cũ chỗ đầu phố, anh Khung đưa cho tôi một gói giấy nhỏ. Tôi hỏi: "Anh cho em cái gì đấy?". Anh Khung bỗng xịu mặt buồn: “Tao chắc không đủ sức khỏe để giữ nó nữa rồi”. Tôi hơi giật mình hỏi lại: “Nó là cái gì hả anh?”. Anh Khung gật gật đầu tỏ ý bảo tôi mở ra xem.

Gói giấy được mở ra, qua ánh sáng của bóng đèn nhà gần đấy hắt vào tôi nhận thấy đó là một chiếc áo bà ba nữ màu tím. Anh Khung kéo tôi ngồi xuống: "Mày còn nhớ cô ấy không?". Tôi lại hỏi: "Cô nào cơ?". Anh Khung không nói gì, cúi đầu trầm ngâm. Trông anh lúc này không có vẻ gì của một người điên. Im lặng kéo dài. Chợt tôi cảm thấy cay cay nơi mũi. Thì ra anh Khung đã tranh thủ khoảng thời gian thần kinh ổn định để kịp về tiễn tôi lên đường. Thì ra anh Khung không quên điều gì cả. Bảy năm trước, cũng hệt như hoàn cảnh tôi lúc này, anh Khung đi đánh giặc. Tôi nhìn anh biết ơn và lúc này mới nhớ ra câu chuyện về một người con gái Nam Bộ mà anh đã kể cho tôi nghe bữa anh em tôi ngồi bên bờ ao có những cây sậy mọc lúp xúp ven bờ và con thuyền nhỏ từ từ chui ra từ đám sậy.

***

Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh một dòng kênh. Dòng kênh Nam Bộ trong và xanh, hai bên bờ xanh rì lá cây dừa nước. Mái chèo khua nước khoan thai. Trên con đò nhỏ có bóng dáng một người con gái đứng chèo đò. Chiếc nón trắng quàng sau lưng, để mái tóc mặc cho gió thổi. Nắng bao la làm khúc kênh ánh lên muôn vàn tia lấp lánh. Cô gái đầu ngẩng cao, toàn thân vươn về phía trước, chiếc áo bà ba màu tím chỉ cài một chiếc cúc cổ để hai vạt áo xòa bay xuôi theo chiều gió thổi.

Bây giờ, nếu như nhắm mắt lại là xuất hiện trong tôi hình ảnh người con gái với ánh mắt như đang căng ra để quan sát nhưng lại ẩn dưới vành nón trắng. Con đò nhỏ lặng lẽ trườn đi. Nếu tinh ý một chút, xuôi về hai sóng nước rẽ phía đuôi thuyền, thấp thoáng bóng các anh đặc công rừng Sác. Con đò vẫn trườn đi, luồn lách dưới tán lá các cây dừa nước. Đến một khoảng trống, chợt trên trời xuất hiện một chiếc trực thăng. Trong nháy mắt nó đã phát hiện ra con đò. Sau khi lượn vài vòng theo con đò, thấy nghi ngờ chiếc trực thăng liền xoay quanh mục tiêu. Giây phút ấy bỗng vang lên một tiếng hô: "Các anh tản ra nấp đi. Đừng lo cho em". Rồi con đò lao vụt về phía trước. Loạt đạn đầu tiên bắn xuống làm dựng lên những cột nước nhỏ. Rồi liên tiếp các cột nước. Người con gái vẫn cố sức đưa con đò tách xa khỏi đội hình bộ đội ta khi đó đã nấp an toàn trong những lùm cây dừa nước. Từng nhịp chèo hối hả, chợt cô gái thoáng ngơi tay chèo, cô cởi phăng chiếc áo bà ba màu tím rồi quẳng nhanh xuống nước. Dường như chiếc áo xòa bay làm cô thấy vướng. Con đò lao nhanh trên dòng kênh. Máy bay trực thăng sà xuống thấp hơn. Cánh quạt quay dữ dội làm mặt nước như vỡ ra. Kệ, cô vẫn hối hả nhịp chèo. Một loạt đạn súng máy bắn xuống làm dựng lên những cột nước trắng xóa. Con đò chìm trong các cột nước ấy rồi mất dấu hẳn...

Bây giờ nếu nhắm mắt lại tôi lại thấy anh Khung đang ngồi cùng tôi bên bờ ao. Những con bọ nước chạy lăng xăng vẽ những vòng tròn nhỏ loang vào nhau. Con thuyền nhỏ từ từ chui ra từ đám sậy mọc lúp xúp. Trên thuyền có một người con gái mặc áo tím đang vươn người về đằng trước đẩy mái chèo. Giọng anh Khung bảng lảng, vời xa, vời xa, đượm chút buồn: "Vì chúng tao mà cô ấy hy sinh. Chiếc áo này là bùa hộ mệnh đấy”. Rồi anh nhìn thẳng vào mắt tôi, vẻ như muốn dặn dò điều gì.

Tôi nhắm mắt lại. Thời gian phôi pha, chiếc áo bà ba màu tím ấy sau này tôi đã tặng lại cho bảo tàng.

(0) Bình luận
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
  • Triển lãm tranh, ảnh kỷ niệm 120 năm thành lập Hà Đông
    Sáng 29-11, tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội (số 7, đường Phùng Hưng, phường Văn Quán, quận Hà Đông), Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Hà Đông khai mạc Triển lãm tranh, ảnh kỷ niệm 120 năm thành lập Hà Đông (1904 - 2024).
  • Hơn 14.000 tác phẩm tham dự Cuộc thi ảnh “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III - năm 2024
    Tối 25-11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức Lễ trao giải cuộc thi và Triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia “Tự hào một dải biên cương” lần thứ III, năm 2024.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Anh Khung của tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO